Chuyên mục  


"NATO đang hỗ trợ nhiều nhất có thể. Nếu không có sự giúp đỡ của NATO, Ukraine sẽ không thể cầm cự lâu vậy. Có lực lượng NATO ở đó, ý tôi là một số binh sĩ. Có cả quan sát viên, kỹ sư. Họ đang hỗ trợ Ukraine", Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nói hôm 8/5.

Tuy nhiên, Thủ tướng Ba Lan cho biết thêm NATO không can thiệp trực tiếp vào xung đột ở Ukraine, do lo ngại "chiến tranh hạt nhân có thể nổ ra" nếu khối này đối đầu trực tiếp với Nga.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cùng ngày tuyên bố khối không có kế hoạch triển khai lực lượng tới Ukraine và Kiev cũng không đưa ra đề nghị như vậy. "Khi tôi thăm Ukraine tuần trước, họ không đề nghị gửi quân đội tới, họ chỉ yêu cầu được hỗ trợ nhiều hơn", ông Stoltenberg làm rõ.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk tại Warsaw hôm 23/4. Ảnh: Reuters

Tổng thư ký NATO cũng nhận định Ukraine gặp khó trên chiến trường trong khi Nga đã đạt được nhiều bước tiến. Ông nói thêm muốn chấm dứt xung đột ở Ukraine bằng biện pháp chính trị thì chỉ có cách hỗ trợ nước này về mặt quân sự, do Nga "không có thiện chí" đàm phán hòa bình.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tháng 2 gây tranh cãi vì đề xuất khả năng đưa binh sĩ phương Tây tới Ukraine. Mỹ, Đức, Anh và nhiều nước châu Âu khác tuyên bố không có kế hoạch này.

Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto hồi tháng 3 nói Pháp, Ba Lan không có quyền lên tiếng thay cho các quốc gia NATO trong vấn đề điều binh sĩ đến Ukraine. Ông cảnh báo động thái như vậy chỉ làm leo thang căng thẳng và ảnh hưởng mọi nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột giữa Moskva và Kiev.

Điện Kremlin từng cảnh báo nếu phương Tây điều quân tới Ukraine, điều đó có nguy cơ gây ra đối đầu trực tiếp "không thể tránh khỏi" giữa NATO với Nga.

Ngọc Ánh (Theo RT/RBC-Ukraine/Kyiv Post)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020