Tỉ phú Elon Musk (phải) giơ thỏa thuận triển khai dịch vụ Starlink trong buổi lễ ngày 19-5 tại Bali - Ảnh: AFP
Đích thân Elon Musk - ông chủ của Tesla, Starlink và SpaceX - đến Bali để khai trương dịch vụ Internet vệ tinh tại Indonesia ngày 19-5.
Điều này đưa xứ vạn đảo trở thành một trong số ít quốc gia tại châu Á có sẵn Starlink và là quốc gia thứ ba tại Đông Nam Á, sau Malaysia cùng Philippines.
Bước đệm Starlink của Indonesia
Mặc chiếc áo batik màu xanh lá cây - loại áo truyền thống của Indonesia - ông Elon Musk đã thử kiểm tra tốc độ Internet của Starlink với một số nhân viên y tế ở các vùng xa xôi của Indonesia.
Trong số này bao gồm cả ở Aru, một trong những hòn đảo xa nhất của Indonesia thuộc tỉnh Maluku.
Phát biểu tại buổi lễ, tỉ phú Elon Musk khẳng định sự sẵn có của Starlink có thể thực sự hỗ trợ cho các phòng khám y tế của Indonesia, thậm chí hỗ trợ giáo dục.
"Nếu có thể truy cập Internet, bạn có thể học bất cứ điều gì hay bán dịch vụ kinh doanh của mình trên toàn thế giới. Nó sẽ cực kỳ có lợi", ông Elon Musk nhấn mạnh.
Bộ trưởng Truyền thông và công nghệ thông tin Indonesia Budi Arie Setiadi trước đó cho biết các nhà cung cấp Internet địa phương, vốn dựa vào các trạm thu phát cơ sở để truyền tín hiệu, không thể tiếp cận các hòn đảo xa vì phạm vi phủ sóng hạn chế.
Tuy nhiên, các vệ tinh của Starlink, vốn vẫn ở quỹ đạo thấp, sẽ giúp họ cung cấp Internet nhanh hơn với phạm vi phủ sóng toàn quốc.
Cũng có mặt tại buổi lễ, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết trong số hơn 10.000 phòng khám y tế trên cả nước, vẫn còn khoảng 2.700 phòng khám không có Internet.
"Internet có thể mở ra khả năng tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ y tế do việc liên lạc giữa các khu vực sẽ dễ dàng hơn, từ đó việc báo cáo từ các cơ sở dịch vụ y tế có thể được thực hiện hoặc cập nhật theo thời gian thực", Hãng thông tấn AP dẫn lời ông Budi Gunadi Sadikin.
Thu hút đầu tư pin xe điện
Bản đồ trên trang web của Starlink cho thấy các quốc gia và vùng lãnh thổ đã có sẵn dịch vụ Internet vệ tinh của Starlink hoặc đang chờ phê duyệt, sắp được triển khai - Ảnh chụp màn hình
Indonesia là một quần đảo rộng lớn gồm 17.000 hòn đảo trải dài trên 3 múi giờ với dân số hơn 270 triệu người.
Trong nhiều năm qua, đảo quốc này đã cố gắng thu hút Tesla của ông Elon Musk đầu tư sản xuất pin xe điện dựa trên lợi thế là nguồn nickel khổng lồ, và Starlink để cung cấp Internet cho các vùng xa xôi, hẻo lánh.
Buổi lễ ngày 19-5 đánh dấu một trong hai mục tiêu của Indonesia đã hoàn thành, đồng thời có thể mở đường cho đầu tư vào những lĩnh vực khác.
Khi được hỏi liệu có dự định đầu tư vào ngành công nghiệp xe điện của Indonesia hay không, tỉ phú Elon Musk không phủ nhận nhưng cũng chẳng xác nhận.
"Chúng tôi sẽ tập trung vào Starlink trước và những lợi ích mà kết nối Internet mang lại cho các hòn đảo xa xôi. Tôi nghĩ sự kiện này thực sự nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của kết nối Internet, về việc nó có thể là cứu cánh cho nhiều người ra sao", ông nói.
Ông trùm công nghệ Mỹ dự kiến gặp Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 20-5 tại Bali, nơi ông cũng sẽ phát biểu tại Diễn đàn nước thế giới.
Chuyến thăm của tỉ phú Elon Musk có thể được xem như quả ngọt cuối mùa của chính quyền Joko Widodo.
Trong 10 năm qua, ông đã thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin và kỹ thuật số, nhằm đạt được Tầm nhìn vàng Indonesia 2045 của chính phủ.
Chuyến thăm của ông Elon Musk diễn ra chỉ vài tuần sau khi giám đốc điều hành (CEO) Tim Cook của Apple gặp ông Joko Widodo vào ngày 17-4, và cho biết công ty sẽ cân nhắc sản xuất thêm tại Indonesia.
Chưa đầy 2 tuần sau đó, CEO Microsoft Satya Nadella cũng đến Indonesia vào ngày 30-4 và cho biết công ty sẽ đầu tư 1,7 tỉ USD trong 4 năm tới vào cơ sở hạ tầng trí tuệ nhân tạo và đám mây ở Indonesia.
Indonesia đặt mục tiêu trở thành 1 trong 5 nền kinh tế hàng đầu thế giới, với GDP lên tới 9.000 tỉ USD đúng 100 năm sau khi giành được độc lập từ thực dân Hà Lan.
Với việc chấp nhận Starlink, Indonesia không chỉ được lợi nhờ kết nối các hòn đảo xa. Đó dường như còn là món quà cho tỉ phú Elon Musk, mở đường để các khoản đầu tư vào những lĩnh vực khác, nhất là pin xe điện.
Tất nhiên, các tỉ phú và doanh nghiệp của họ luôn đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên hết. Indonesia sẽ phải cạnh tranh với những quốc gia khác trong khu vực về các chính sách, môi trường đầu tư cùng nhiều thứ khác.
Song, việc cho phép Starlink hoạt động có thể được xem như một động thái thể hiện thiện chí của đảo quốc này với tỉ phú Elon Musk, giúp họ có điểm cộng khi so với các đối thủ cạnh tranh khác trong thu hút đầu tư.
Con gà đẻ trứng vàng mới của tỉ phú Elon Musk
Starlink thuộc SpaceX, công ty sở hữu khoảng 60% trong số khoảng 7.500 vệ tinh quay quanh Trái đất và đang chiếm ưu thế trong lĩnh vực Internet vệ tinh.
Theo báo cáo trong tháng 5 của Quilty Space, một công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường, Starlink có thể đạt doanh thu 6,6 tỉ USD trong năm 2024. Đây là một tốc độ tăng trưởng rất lạc quan và vượt ngoài mong đợi.
Phần lớn dịch vụ của Starlink có sẵn tại châu Mỹ và châu Âu cùng một số nước châu Á như Nhật Bản, Mông Cổ. Tại Ukraine, quân đội, bệnh viện, doanh nghiệp và các tổ chức viện trợ phụ thuộc phần lớn vào Starlink sau khi xung đột với Nga bùng nổ tháng 2-2022.