Trong bài viết đăng trên tạp chí CTC Sentinel số tháng 10 của Trung tâm Chống khủng bố thuộc Học viện Quân sự Mỹ (West Point), hai chuyên gia Michael Knights và Jay Bernstein nhận định lực lượng Houthi giành được "một số kết quả ấn tượng khi đối đầu với chiến hạm nước ngoài".
"Một tên lửa đạn đạo chống hạm hoặc loại khác bay theo quỹ đạo rất thấp, phát ra cảnh báo tối thiểu và không thể đánh chặn đã rơi xuống cách tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower khoảng 200 m", hai chuyên gia viết.
Họ cho biết đã lấy thông tin này từ những sĩ quan tình báo Mỹ và Anh tập trung theo dõi tình hình Yemen, song không công bố thời gian xảy ra vụ tập kích.
Houthi ngày 31/5 tuyên bố phóng tên lửa hành trình và đạn đạo nhằm vào tàu sân bay Eisenhower để trả đũa các vụ không kích của Mỹ và Anh trước đó. Một ngày sau, Houthi phóng loạt tên lửa và máy bay không người lái (UAV) nhằm vào tàu sân bay Mỹ. Các đợt tập kích này không gây thiệt hại cho chiến hạm Eisenhower.
Tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower di chuyển trên Biển Đỏ ngày 7/6. Ảnh: US Navy
Lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn đã tăng cường tập kích tàu hàng, chiến hạm nước ngoài trên khu vực Biển Đỏ và Vịnh Aden từ tháng 11/2023, tuyên bố đây là hành động nhằm ủng hộ người dân Palestine tại Dải Gaza, nơi Israel mở chiến dịch quân sự đáp trả vụ tấn công của Hamas hồi đầu tháng 10/2023.
Tờ Wall Street Journal của Mỹ đưa tin "Nga đã cung cấp thông tin tọa độ cho Houthi để lực lượng này tập kích tàu của phương Tây đi qua Biển Đỏ bằng tên lửa, UAV vào đầu năm nay".
Theo hai quan chức quốc phòng châu Âu và một nguồn tin quen thuộc với vấn đề, Nga gửi dữ liệu vệ tinh cho Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), để lực lượng này chuyển tiếp chúng cho Houthi.
Nga và Houthi không bình luận về thông tin này.
Vị trí tàu thuyền bị Houthi tập kích. Đồ họa: WSJ
Mỹ lo ngại Nga có thể cung cấp tên lửa diệt hạm cho Houthi, làm phức tạp thêm nỗ lực hộ tống tàu thuyền mà quân đội nước này và đồng minh triển khai tại Biển Đỏ. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng cho thấy Nga đã chuyển vũ khí cho Houthi.
WSJ hồi đầu tháng 10 đưa tin lái súng Nga Viktor Bout đang làm trung gian cho thương vụ bán vũ khí cá nhân trị giá 10 triệu USD cho Houthi. Tuy nhiên, ông Bout bác bỏ điều này, gọi đây là "thông tin vô căn cứ, mang tính giật gân để thu hút người xem".
Sau khi Houthi bắt đầu tấn công tàu hàng mà họ cho là có liên quan đến Israel hoặc các đồng minh của nước này, phần lớn phương tiện khi đi gần khu vực Houthi kiểm soát đều tắt tín hiệu vô tuyến, gây khó khăn cho nỗ lực theo dõi chúng.
Khi tàu hàng tắt tín hiệu vô tuyến, người ta chỉ có thể theo dõi vị trí của chúng thông qua ảnh vệ tinh chất lượng cao. Tuy nhiên, vệ tinh thương mại thường không bao phủ toàn bộ khu vực và quá trình truyền tải thông tin luôn có độ trễ.
Xe chở tên lửa đạn đạo trong lễ duyệt binh của lực lượng Houthi tại thủ đô Sanaa, Yemen tháng 9/2023. Ảnh: Reuters
Những cuộc tấn công của Houthi đã làm gián đoạn hoạt động vận tải toàn cầu, buộc các chủ tàu phải điều chỉnh lại hành trình vòng qua Nam Phi xa hơn, gây tốn kém hơn.
Mỹ cùng các đồng minh và Liên minh châu Âu (EU) đã lập các nhóm tác chiến riêng biệt để đối phó những vụ tập kích tàu hàng của Houthi. Washington và London cũng nhiều lần tấn công các mục tiêu của Houthi để trả đũa hoặc ngăn hoạt động tập kích tàu hàng.
Tuy nhiên, giới chuyên gia quân sự đã đặt dấu hỏi về tính hiệu quả và khả năng duy trì chiến dịch của Mỹ - Anh, khi chưa có dấu hiệu cho thấy Houthi sẽ ngừng tấn công tàu hàng qua Biển Đỏ.
Phát ngôn viên Hải quân Mỹ ngày 31/11 cho biết quân chủng này đã khai hỏa lượng đạn trị giá 1,85 tỷ USD để đối phó các cuộc xung đột trong khu vực trong khoảng một năm qua. Phần lớn trong số này liên quan đến chiến dịch đối phó Houthi và hai lần đánh chặn đòn tập kích nhằm vào Israel của Iran.
Các chiến hạm và máy bay Mỹ đã phóng hàng trăm loại đạn, trong đó có tên lửa phòng không, tên lửa hành trình, tên lửa không đối không và bom, một số loại đạn có giá vài triệu USD mỗi quả.
Nguyễn Tiến (Theo BI, Newsweek, AFP, AP)