Chuyên mục  


"Tôi hiểu quan điểm của Elon Musk rằng công nghệ máy bay không người lái (UAV) sẽ ngày càng quan trọng. Tuy nhiên, chỉ người đầu óc không bình thường mới nghĩ đến phương án xóa sổ chương trình F-35 và máy bay có người lái", Greg Stanton, hạ nghị sĩ bang Arizona, nói trong cuộc phỏng vấn hôm 26/11.

Ông khẳng định tiêm kích F-35 là "công nghệ tiên tiến giúp quân đội Mỹ luôn dẫn đầu", đồng thời chỉ trích tỷ phú Elon Musk "cố tình xem thường" nhiệm vụ huấn luyện phi công F-35 tại căn cứ không quân Luke thuộc bang Arizona.

Căn cứ Luke chuyên đào tạo phi công tiêm kích cho Mỹ và các nước đồng minh suốt hàng chục năm qua, hiện phụ trách quá trình chuyển loại lên chiến đấu cơ tàng hình F-35A cho không quân Mỹ và nhiều nước.

Tiêm kích F-35A Mỹ bay trình diễn tại bang Wisconsin hồi tháng 7. Ảnh: USAF

Danny Seiden, giám đốc điều hành Phòng Thương mại bang Arizona, nói căn cứ này đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế địa phương, tạo ra khoảng 20.000 việc làm trên toàn bang và mang về 4 tỷ USD mỗi năm. Ông cho rằng Tổng thống đắc cử Donald từng có những phát biểu tích cực về chương trình F-35 và sẽ duy trì ủng hộ tiêm kích này khi trở lại Nhà Trắng.

Các phát biểu được đưa ra sau khi tỷ phú Elon Musk tuyên bố "một số kẻ ngốc vẫn chế tạo tiêm kích có người lái như F-35", cho rằng đây là thiết kế tệ hại và không thể thành công.

"Nó được yêu cầu làm quá nhiều nhiệm vụ cho quá nhiều lực lượng. Điều này khiến nó trở nên đắt đỏ và phức tạp, làm được nhiều thứ nhưng không vượt trội trong lĩnh vực nào. Tiêm kích có người lái đang dần lạc hậu trong thời đại của drone, chúng chỉ khiến phi công sớm thiệt mạng", ông Musk cho hay.

F-35 là một trong những tiêm kích hiện đại nhất của Mỹ, nhưng chương trình phát triển đã gặp nhiều vấn đề. Máy bay này bị chậm tiến độ khoảng một thập kỷ và đội chi phí thêm 183 tỷ USD so với dự kiến ban đầu. Văn phòng Kiểm toán Chính phủ Mỹ (GAO) cho biết chương trình F-35 vẫn gặp khó khăn về độ tin cậy, khả năng bảo trì và sẵn sàng vận hành.

Tỷ phú Elon Musk tại sự kiện ở thành phố Lancaster, bang Pennsylvania ngày 26/10. Ảnh: AFP

Elon Musk cam kết cắt giảm chi tiêu không cần thiết và cải tổ các chương trình của chính phủ sau khi được đề cử làm lãnh đạo Ủy ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE). Tuy nhiên, những tuyên bố của ông về F-35 và UAV đã gây tranh cãi trong giới chuyên gia.

Greg Williams, giám đốc Trung tâm Thông tin Quốc phòng thuộc Dự án Giám sát Chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận ở Washington, nói ý tưởng của Musk về UAV là "đáng xem xét", nhưng cảnh báo rằng công nghệ này vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt trong các môi trường bị chế áp điện tử.

Quy mô và tầm ảnh hưởng kinh tế của chương trình F-35 cũng khiến Mỹ khó lòng kết thúc sản xuất một cách đột ngột, nhất là khi Lầu Năm Góc hồi đầu năm nay đã phê duyệt cho dây chuyền chế tạo F-35 vận hành hết công suất.

Khoảng 3.000 máy bay dự kiến được sản xuất trong toàn bộ chương trình F-35, với 1.000 chiếc đã xuất xưởng và bàn giao cho quân đội Mỹ cùng đồng minh. Các tiêm kích F-35 dự kiến hoạt động tới năm 2088, chương trình sẽ tốn hơn 2.000 tỷ USD để chế tạo và duy trì hoạt động của máy bay.

Thanh Danh (Theo AZCentral, ABC15)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020