Chuyên mục  


Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), tính đến 30/9, tổng tài sản của Techcombank đạt 671.354 tỷ đồng, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng dư nợ cho vay khách hàng đạt 410.546 tỷ đồng, tăng trưởng 18% so với đầu năm. Trong đó, danh mục tín dụng tiếp tục được chuyển dịch từ cho vay doanh nghiệp lớn sang cho vay cá nhân.

Dư nợ cho vay khách hàng cá nhân của Techcombank trong 9 tháng đầu năm tăng 61,2%.

Cụ thể, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng 61,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 222.400 tỷ đồng, chiếm 49,0% danh mục tín dụng của Ngân hàng (tăng từ mức 36,4% cùng kỳ 2021). Dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 22,7% so với cuối quý 3 năm 2021, đạt 70.700 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp lớn (bao gồm cho vay và trái phiếu) giảm 12,5%, đạt 161.000 tỷ đồng, chiếm 35,5% dư nợ tín dụng toàn Ngân hàng và giảm đáng kể so với mức 48,5% tại quý 3/2021 và mức 37,7% của quý 2/2022.

Về chất lượng nợ, tỷ lệ nợ xấu tại ngày 30/9 của Techcombank ở mức 0,6% với tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 165,0%, cho thấy chất lượng tín dụng của Ngân hàng ổn định.

Tổng tiền gửi tại ngày 30/9 là 318.919 tỷ đồng, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 1,3% so với đầu năm. Tỷ lệ CASA đạt mức 46,5%, vẫn ở vị thế đầu ngành, dù có giảm nhẹ so với mức 47,5% cuối quý II/2022, trong bối cảnh chung toàn ngành khi thanh khoản hệ thống bớt dồi dào khi Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ thực hiện một loạt biện pháp nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá từ đầu năm đến nay.

Đối với các mảng hoạt động lõi, thu nhập từ lãi và thu nhập từ hoạt động dịch vụ (không bao gồm thu phí từ dịch vụ ngân hàng đầu tư) trong 9 tháng đầu năm 2022 đóng góp chính cho tổng thu nhập hoạt động lên 31.475 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó thu nhập từ lãi đạt 23.470 tỷ đồng, tăng 20,6% so với cùng kỳ, thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 32,5% so với cùng kỳ, đạt 6.900 tỷ đồng.

Trong quý III, chi phí hoạt động của Techcombank tăng 20,9% so với cùng kỳ, đạt 9.408 tỷ đồng, với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức 29,9% - nằm trong top các ngân hàng có CIR tốt nhất.

Theo đại diện Techcombank, chi phí hoạt động tăng so với cùng kỳ do Ngân hàng tiếp tục đầu tư vào Số hóa, Dữ liệu và Nhân tài, theo đúng chiến lược đã đề ra.

Trong khi đó, chi phí dự phòng tiếp tục trong xu hướng giảm, xuống mức 1.245 tỷ đồng, giảm 38,9% so với cùng kỳ năm trước do tình hình tài chính của nhiều khách hàng tiếp tục được cải thiện cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế.

Kết thúc tháng 9, Techcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế của ngân hàng hợp nhất đạt 20.822 tỷ đồng, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tại thời điểm 30/9/2022, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn ở mức 27,4%, thấp hơn so với giới hạn mới 34% theo quy định mới tại Thông tư 22 (sửa đổi) của Ngân hàng Nhà nước, có hiệu lực từ ngày 01/10/2022.

Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II ở mức 15,7% cuối quý 3 năm 2022, cao hơn nhiều so với yêu cầu tối thiểu 8,0% của trụ cột I, Basel II, và tăng 68 điểm phần trăm so với một năm trước đó.

Đại diện Techcombank cho biết, nhờ đầu tư mạnh vào số hóa và ra mắt chương trình riêng cho khách hàng trẻ, trong quý III, Techcombank cho biết đã thu hút thêm hơn 300.000 khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng lên 10,4 triệu. Khối lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân trong quý III/2022 lần lượt đạt 205,4 triệu giao dịch (tăng 29,4% so với cùng kỳ năm ngoái) và 2,5 triệu tỷ đồng (tăng 30,6% so với cùng kỳ năm ngoái).

Minh Lâm

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020