Chuyên mục  


"Dự án này có tác động tối thiểu đến môi trường", Phó thủ tướng Campuchia Sun Chanthol ngày 7/5 nói, cho biết lượng nước qua kênh Funan Techo là 5 mét khối mỗi giây, còn dòng chảy sông Mekong là 8.000 mét khối mỗi giây. "Lượng nước được chuyển hướng chỉ bằng một giọt nước trong xô".

Kênh Funan Techo dài 180 km sau khi nâng cấp sẽ có chiều rộng 100 m, độ sâu tới 5,4 m, cho phép sà lan và tàu có trọng tải 3.000 tấn đi qua, Phó thủ tướng Campuchia cho biết.

Theo ông Sun Chanthol, Campuchia đã thông báo cho Ủy hội sông Mekong (MRC) về dự án này, nhưng sẽ không tham vấn với các nước khác trong khu vực về kênh đào. "Nếu được yêu cầu, Campuchia sẽ cung cấp thêm thông tin với MRC, nhưng không có nghĩa vụ pháp lý phải làm vậy", ông nói.

Một số chuyên gia cảnh báo kênh Funan Techo có thể làm giảm 50% lượng nước về miền Tây của Việt Nam, nguy cơ làm thiếu hụt nguồn nước ngọt, tăng xâm nhập mặn và đảo lộn hệ sinh thái tại khu vực.

Theo Hiệp định Mekong năm 1995, các dự án ảnh hưởng dòng chính của sông phải được Ủy hội sông Mekong (MRC) "xem xét kỹ thuật", nhận ý kiến đóng góp từ các quốc gia thành viên bao gồm Việt Nam, Lào và Thái Lan.

Nhà nổi dọc một đoạn sông Mekong gần thủ đô Phnom Penh tháng 2/2021. Ảnh: Reuters

Đây là căn cứ pháp lý quốc tế quan trọng cho Việt Nam, đòi hỏi phía Campuchia phải lấy ý kiến rộng rãi từ các nước trong khu vực về dự án kênh đào này.

Tuy nhiên, MRC cho hay Campuchia không chia sẻ kết quả nghiên cứu khả thi của dự án kênh đào, dù họ đã nhiều lần đề nghị và hai lần gửi công văn vào tháng 8 và tháng 10/2023.

Phó thủ tướng Sun Chanthol cho biết 33% hàng xuất nhập khẩu của Campuchia hiện nay được vận chuyển dọc sông Mekong rồi tới các cảng của Việt Nam. Dự án kênh Funan Techo được kỳ vọng sẽ giảm 70% lượng hàng đi và đến Campuchia qua cảng Việt Nam.

Tuyến đường ngắn hơn từ Phnom Penh ra biển qua kênh Funan Techo còn "giúp giảm phát thải khí nhà kính", ông cho biết. Tuy nhiên, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius, hiện là lãnh đạo Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, nhận định năng lực hạn chế của kênh Funan Techo "đặt câu hỏi về tính khả thi về mặt kinh tế của dự án".

Dự án kênh đào Funan Techo được Hội đồng Bộ trưởng Campuchia phê chuẩn vào tháng 5/2023, dự kiến nối cảng sông Phnom Penh với vịnh Thái Lan ở tây nam Campuchia, đi qua các tỉnh Kandal, Takeo, Kampot và Kep. Theo tài liệu Campuchia trình lên MRC tháng 8/2023, kênh Funan Techo sẽ bắt đầu hoạt động từ năm 2028.

Dự án có trị giá ước tính 1,7 tỷ USD, dự kiến do công ty Trung Quốc thực hiện theo hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng ngày 5/5 đề nghị Campuchia phối hợp các bên đánh giá đầy đủ tác động của dự án kênh đào Funan Techo đối với nguồn nước và môi trường sinh thái tiểu vùng sông Mekong.

Bà Hằng cho biết đối với dự án kênh đào Funan Techo, Việt Nam rất quan tâm, tôn trọng lợi ích chính đáng của Campuchia theo tinh thần Hiệp định Mekong 1995, phù hợp với các quy định liên quan của MRC và quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống giữa hai nước.

"Chúng tôi mong rằng Campuchia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các nước trong Ủy hội sông Mekong chia sẻ thông tin, đánh giá đầy đủ tác động của dự án này đối với nguồn nước, tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực tiểu vùng sông Mekong", bà Hằng nói.

Kênh đào Funan Techo. Đồ họa: ST

Nguyễn Tiến (Theo Reuters)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020