Rắn hổ lục đầu vàng trên Đảo Rắn. Ảnh: Micoope
Đảo Rắn là một hòn đảo nhỏ ngoài khơi Brazil, nơi ở của hàng nghìn con rắn kịch độc. Những con rắn dài tới 1,2 m thuộc loài rắn hổ lục đầu vàng (Bothrops insularis). Chúng độc đến mức hải quân Brazil phải ngăn người dân lên đảo từ thập niên 1920. Hòn đảo nằm cách vùng ven biển phía đông nam Brazil khoảng 34 km và có diện tích 43 hecta, tương đương khoảng 80 sân bóng đá Mỹ. Rừng mưa bao phủ hơn một nửa đảo, trong khi phần còn lại là đất cằn và bãi đá.
Đảo Rắn từng nối với đất liền, nhưng mực nước biển dâng lên nhấn chìm cây cầu cạn cách đây khoảng 10.000 năm, vào cuối kỷ Băng Hà cuối cùng. Sự ngăn cách này khiến một quần thể rắn hổ lục đầu vàng mắc kẹt trên đảo. Chúng nhanh chóng thích nghi với điều kiện ở đảo và sinh sôi. Nọc độc của chúng tiến hóa để giết chết các loài mắc kẹt cùng với chúng cũng như chim di cư.
Đảo Rắn không có động vật có vú, vì vậy rắn hổ lục đầu vàng không có động vật ăn thịt tự nhiên. Nọc độc của chúng dùng để săn mồi thay vì tự vệ. Nghiên cứu chỉ ra nọc độc của chúng phát tác nhanh nhất so với bất kỳ loài rắn nào thuộc chi Bothrops và mạnh gấp 5 lần nọc độc của loài họ hàng gần là Bothrops jararaca sống ở đất liền, nhiều khả năng do săn bắt chim đòi hỏi tiêu diệt nhanh.
Nọc độc của rắn hổ lục đầu vàng cũng phát tác nhanh ở người. Vết cắn gây ra các triệu chứng từ đau cục bộ và sưng phù tới nôn mửa, chảy máu ruột, suy thận và chết mô. Bất chấp nguy cơ, một số người vẫn sống trên Đảo Rắn cho tới năm 1920 để vận hành một ngọn đèn hải đăng xây vào năm 1909. Nhiều khả năng những người cuối cùng rời đảo khi đèn hải đăng chuyển sang vận hành tự động. Tin đồn ở địa phương cho biết người cuối cùng trông giữ ngọn đèn và gia đình ông chết do vết cắn của con rắn lẻn vào nhà qua cửa sổ.
Các nhà nghiên cứu ước tính có khoảng 2.000 - 4.000 con rắn hổ lục đầu vàng sống trên Đảo Rắn. Loài vật này không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới và nằm trong danh mục cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế.
An Khang (Theo Live Science)