Các đại biểu tham quan mô hình thực tế - Ảnh: Samsung
Được triển khai tại Việt Nam từ năm 2019, cuộc thi Solve for Tomorrow không ngừng đổi mới để khuyến khích học sinh ứng dụng kiến thức STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) nhằm khắc phục các vấn đề của cuộc sống.
Luồng gió mới mang tinh thần khởi nghiệp
Ở mùa thứ 6, Solve for Tomorrow 2024 gây hứng thú với luồng gió mới khuyến khích tinh thần khởi nghiệp cho các em học sinh.
Sản phẩm của các đội thi không chỉ là giải pháp mang hàm lượng công nghệ cao, mà còn cần đi kèm kế hoạch kinh doanh rõ ràng để đưa sản phẩm tới người tiêu dùng.
Có như thế, các dự án công nghệ sẽ có vòng đời phát triển vượt ra ngoài khuôn khổ của cuộc thi để nhân rộng và ứng dụng trong thực tế.
Tại vòng chung kết năm nay, các em học sinh đã gây bất ngờ với những dự án công nghệ xuất sắc, là kết quả của quá trình các em tìm hiểu và nghiên cứu rất sâu để giải quyết các bất cập trong cuộc sống như Hệ thống giám sát và cảnh báo trẻ ngủ quên trên xe;
Ứng dụng thông minh bảo vệ trẻ em và phụ nữ trước nguy cơ bạo lực, xâm hại và bắt cóc; Ứng dụng cảnh báo sạt lở đất, cảnh báo cháy nổ trong gia đình...
Những dự án này sẽ trở nên hữu ích hơn khi được nhân rộng trong thực tế và Solve for Tomorrow chính là cầu nối cho một hành trình đầy thách thức: biến những ý tưởng trên thành giải pháp công nghệ hiện hữu và đưa những giải pháp này đến tay người dùng.
Ứng dụng AI, IoT... để nâng tầm các dự án công nghệ
Trên thực tế, các dự án được đánh giá cao trong khuôn khổ cuộc thi Solve for Tomorrow là minh chứng rõ nét nhất cho mục tiêu mà chương trình đang theo đuổi.
Đứng thứ nhất bảng B (dành cho học sinh THPT), dự án Ứng dụng thông minh cảnh báo tình huống nguy hiểm ở trẻ em và phụ nữ của đội Supernova (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng) là một giải pháp toàn diện, kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích tình huống, nhận diện được âm thanh và giọng nói để cảnh báo và tự động phát hiện nguy hiểm bất thường. Đây cũng là điểm vượt trội của dự án so với các sản phẩm hiện có.
Còn với dự án Ứng dụng công nghệ thông minh nhân giống và nuôi các loài côn trùng quý hiếm giành giải nhất bảng A (dành cho học sinh THCS), đội Small Warriors (Trường phổ thông dân tộc nội trú Him Lam, Hậu Giang) ứng dụng công nghệ IoT tạo ra máy ấp trứng, cà cuống và hệ thông nuôi cà cuống, bù niễng thương phẩm tự động.
Đồng thời dự án cũng ứng dụng công nghệ AI tạo ra chatbot để đồng hành, kết nối giữa các nhà khoa học, nhà nông, khối kinh doanh, khối nhà nước.
"Dự án ứng dụng công nghệ thông minh trong nhân giống và nuôi côn trùng quý hiếm sẽ đóng góp vào sự phát triển nông nghiệp bền vững, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học và tạo ra nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng, thân thiện với môi trường. Đây là bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy nông nghiệp xanh và tối ưu hóa tài nguyên cho tương lai".
Thông điệp trên từ dự án của các bạn trẻ Trường phổ thông dân tộc nội trú Him Lam không chỉ chinh phục ban giám khảo, mà còn thể hiện tài năng của các bạn trẻ Việt Nam khi sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ vào phục vụ cuộc sống.
* Ông Choi Joo Ho (tổng giám đốc Samsung Việt Nam):
Vai trò Solve for Tomorrow trong bối cảnh mới của thời đại
Cùng với sự khởi đầu của kỷ nguyên AI, nhân loại đang trải qua một bước ngoặt to lớn. Rất nhiều học giả đang thảo luận sôi nổi về giá trị cũng như vai trò của con người trong thời đại AI.
Tuy nhiên, trong quá trình biến đổi như một lẽ tất yếu đó, tư duy sáng tạo và năng lực giải quyết vấn đề của riêng con người đang ngày càng được chú trọng.
Các quốc gia trên toàn thế giới đang cạnh tranh không ngừng để nâng cao những năng lực này.
Trong bối cảnh đó, chương trình Solve for Tomorrow giúp nâng cao khả năng sáng tạo và giải quyết vấn đề xã hội của các em học sinh. Chúng tôi rất mong sẽ nhận được nhiều sự quan tâm và tham gia của ngành giáo dục Việt Nam để chương trình tiếp tục phát triển hơn nữa.