Đường sắt tốc độ cao góp phần giúp Việt Nam hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng "0"
Dự kiến, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15 sẽ thảo luận hội trường về dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vào ngày 20/11. Nếu được đồng thuận cao, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua chủ trương vào ngày bế mạc 30/11.
Theo tờ trình, Dự án có điểm đầu tuyến tại Thành phố Hà Nội (ga Ngọc Hồi), điểm cuối tại TP.HCM (ga Thủ Thiêm). Tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541 km.
Quy mô đầu tư: Xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; xây dựng 23 ga khách, 5 ga hàng; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất: khoảng 10.827 ha. Hình thức đầu tư là đầu tư công. Tổng mức đầu tư khoảng 1.713.548 tỷ đồng (tương đương 67,34 tỷ USD).
Đáng chú ý, theo Bộ Giao thông vận tải, việc đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là cần thiết vì phát triển phương thức vận tải bền vững, hiện đại, thân thiện, góp phần giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Lấy dẫn chứng từ nghiên cứu của Hiệp hội đường sắt quốc tế, Bộ GTVT cho biết, đường sắt tốc độ cao là phương thức vận tải bền vững, an toàn, thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên. Đồng thời do tuyến đường sắt tốc độ cao phần lớn đi trên cầu cạn nên góp phần hiệu quả để ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn chế chia cắt cộng đồng.
"Tàu chạy đường sắt cao tốc sử dụng năng lượng điện là một trong những giải pháp tối ưu trong việc chuyển đổi phương thức vận tải, phù hợp với chiến lược phát triển nền kinh tế các-bon thấp của Việt Nam, nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050 như đã cam kết tại Hội nghị COP26", Bộ Giao thông Vận tải khẳng định trong buổi trao đổi với báo chí về chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam vào đầu tháng 10/2024.
Trước đó, tại phiên khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Tham vọng khí hậu, sáng 20/9/2023 theo giờ New York, tại trụ sở Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam quyết tâm thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và với sự đồng hành, hỗ trợ đầy đủ của cộng đồng quốc tế, phấn đấu giảm nhanh lượng phát thải khí nhà kính đến 43,5% vào năm 2030 và đạt tỉ lệ năng lượng tái tạo hơn 70% vào năm 2050.
Đường sắt tốc độ cao góp phần thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng "0" như thế nào?
Năng lượng điện khí hóa
Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Hoàng Gia Khánh từng khẳng định tại "Tọa đàm: Đường sắt tốc độ cao – Thời cơ và thách thức" rằng: "Tuyến đường sắt này điện khí hóa, thân thiện với môi trường, mang lại hiệu quả về môi trường".
Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Hoàng Gia Khánh - Ảnh: VGP/Dương Tuấn
Nghiên cứu từ các nhà khoa học quốc tế cho thấy rằng, khi sử dụng nhiên liệu điện khí hóa, lượng phát thải CO2 từ tàu cao tốc thấp hơn máy bay đến 8,5 lần và thấp hơn ô tô 3,7 lần.
Hiện nay, đường sắt cao tốc trên thế giới áp dụng hai phương thức cung cấp năng lượng điện chính. Phổ biến nhất là dây dẫn trên cao, với hệ thống dây điện áp cao treo trên các cột dọc đường ray. Tàu nhận điện thông qua các "chân tiếp xúc" đặc biệt, trượt trên dây dẫn này.
Phương thức thứ hai là ray thứ ba, ít phổ biến hơn; trong đó một ray điện thứ ba được lắp song song với hai ray chính, cho phép tàu lấy điện qua một thanh trượt tiếp xúc trực tiếp với ray này.
Với khả năng giảm mạnh lượng khí thải carbon so với các tàu chạy diesel hay bằng than, đường sắt điện khí hóa đang trở thành tiêu chuẩn cho giao thông vận tải bền vững khi nhiều quốc gia cam kết giảm phát thải khí nhà kính.
Các tuyến đường sắt điện thường có công suất hiệu quả cao hơn, chi phí bảo trì thấp hơn và giúp tiết kiệm năng lượng lâu dài. Những hiệu quả này làm tăng độ tin cậy của dịch vụ và giảm chi phí vận hành, đem lại lợi ích cho cả vận tải hàng hóa và hành khách.
Mạng lưới đường sắt điện khí hóa sẽ đáp ứng được nhu cầu vận tải lớn và tốc độ cao. Ảnh minh họa bằng AI ChatGPT
Hơn nữa, tàu điện vận hành êm ái và yên tĩnh hơn, nâng cao trải nghiệm cho hành khách và khuyến khích thêm nhiều người sử dụng.
Điện khí hóa cũng tạo nền tảng cho việc mở rộng và đổi mới trong tương lai. Khi kinh tế Việt Nam phát triển và khối lượng giao thương gia tăng, mạng lưới đường sắt điện khí hóa sẽ đáp ứng được nhu cầu vận tải lớn hơn và tốc độ cao hơn.
Đồng thời, nó mở ra cơ hội tích hợp các công nghệ tiên tiến như hệ thống điều khiển tự động, mang đến sự linh hoạt cần thiết để phát triển hệ thống đường sắt trong thế kỷ tới.
60% công trình đi trên cầu cạn
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Bộ GTVT cho biết công trình dự kiến có khoảng 60% chiều dài đi trên cầu cạn, 10% là hầm và 30% là nền đất.
Phân tích về việc Bộ GTVT lựa chọn phương án thiết kế phần lớn công trình đi trên cầu cạn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cho biết: "Với phương thức vận tải đường sắt và cách thức dự kiến xây dựng thì tôi cho rằng đã giảm thiểu tác động đến môi trường, như Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy đã đề cập là sử dụng rất nhiều cầu cạn, tránh được chia cắt cộng đồng, tránh được tác động bất lợi đến các hoạt động về kinh tế, xã hội ở khu vực có cầu cạn đi qua".
Theo các chuyên gia xây dựng, phương án cầu cạn đi trên cao trong các công trình hạ tầng giao thông là một phương án giải quyết cùng một lúc các thách thức địa hình thấp, nền đất yếu, thiếu cát xây dựng, ngập vì sụt lún, vì nước biển dâng, không cản trở thoát lũ, ít phá hỏng cảnh quan sinh thái, bảo đảm sinh kế cho người dân, đáp ứng các yêu cầu về đánh giá tác động môi trường…
Công trình sử dụng rất nhiều cầu cạn đi trên cao, tránh được chia cắt cộng đồng và bảo vệ môi trường. Ảnh minh họa bằng AI ChatGPT
Ưu điểm vượt trội của phương án cầu cạn so với phương án đắp nền là giảm đáng kể diện tích chiếm dụng mặt bằng; bảo đảm thông thoáng, không chia cắt các khu vực sản xuất nông nghiệp, các cánh đồng mẫu lớn; không bị ảnh hưởng tiến độ xây dựng do thiếu vật liệu đắp nền; không chịu tác động bởi BĐKH, tuân thủ Điều 29 của Luật Bảo vệ môi trường và bảo đảm tính khả thi cho dự án.
Cầu cạn sử dụng các kết cấu định hình, kiểm soát được giá thành xây dựng; bảo đảm thông suốt trong quá trình khai thác, không bù lún, chi phí duy tu bảo trì thấp; phát triển ngành công nghiệp VLXD trình độ cao, giúp cắt giảm CO2; cầu cạn đã áp dụng thành công trong các dự án thành phần xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam.