Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 9 cảnh báo Mỹ sẽ xem bất kỳ kế hoạch nào của Iran nhằm ám sát ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump đều là "hành động gây chiến". Đến tháng 10, Tehran gửi thư cho Washington khẳng định họ không tìm cách ám sát ông Trump, truyền thông Mỹ hôm 15/11 dẫn các nguồn tin giấu tên cho hay.
Do Mỹ và Iran không có quan hệ ngoại giao nên thư được gửi thông qua Thụy Sĩ, nước phụ trách các vấn đề liên quan lợi ích ngoại giao của Mỹ ở Tehran. Các báo lớn của Mỹ như WSJ, NYTimes, NBC News đều đưa thông tin, dẫn lời quan chức giấu tên trong chính quyền Tổng thống Biden.
Trong thư, Iran tái khẳng định việc Mỹ hạ sát tướng Qassem Soleimani, tư lệnh đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, tại Iraq hồi năm 2020 là hành vi tội ác, theo hai quan chức Mỹ. Tuy nhiên, Iran cũng khẳng định họ không muốn ám sát ông Trump.
Một quan chức và một nhà phân tích Iran nói với báo Mỹ rằng bức thư nêu rõ Tehran sẽ tìm cách trả thù cho tướng Soleimani thông qua các biện pháp pháp lý quốc tế. Họ cho biết chính lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei đã viết bức thư gửi phía Mỹ.
Ông Donald Trump tại New York hồi tháng 9. Ảnh: AP
Phái đoàn Iran tại Liên Hợp Quốc từ chối bình luận về thông tin này, nhưng ra tuyên bố khẳng định Tehran sẽ đáp trả vụ hạ sát tướng Soleimani "thông qua con đường pháp lý".
Từ sau cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ, nhiều cựu quan chức, học giả và hãng truyền thông Iran công khai ủng hộ Tehran nỗ lực tiếp xúc với chính quyền mới và theo đuổi cách tiếp cận hòa giải, dù đồng minh của ông Trump cam kết thực hiện chiến dịch gây áp lực tối đa nhằm vào Iran.
Ông Trump hồi năm 2020 ra lệnh hạ sát tướng Soleimani bằng máy bay không người lái tại sân bay ở Baghdad. Iran sau đó tuyên bố sẽ báo thù cho ông Soleimani.
Bộ Tư pháp Mỹ từng công bố hai cáo trạng liên quan việc Iran âm mưu ám sát ông Trump. Họ cũng cáo buộc Iran lên kế hoạch nhằm vào những quan chức khác trong chính quyền Trump.
Trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, giới chức Mỹ cảnh báo Iran đang nhắm vào ứng viên đảng Cộng hòa. Công tố viên liên bang ở Manhattan, New York tuần trước cho biết những kẻ chủ mưu người Iran đã thảo luận về kế hoạch ám sát ông Trump. Bộ Ngoại giao Iran gọi cáo buộc này là vô căn cứ.
Hồi tháng 7, Asif Raza Merchan, một người đàn ông Pakistan từng đến Iran, bị bắt ở New York và bị cáo buộc lên kế hoạch thuê sát thủ ám sát các chính trị gia Mỹ. Các nhà điều tra tin rằng mục tiêu của Merchan bao gồm cả ông Trump.
Sở Mật vụ Mỹ nhận được thông tin tình báo về ý định của Iran nhằm vào ông Trump nên đã tăng cường các đội chống bắn tỉa để bảo vệ ứng viên tổng thống. Sau hai vụ ám sát hụt nhằm vào ứng viên đảng Cộng hòa ở Pennsylvania và Florida, các cơ quan tình báo Mỹ đánh giá Iran ngày càng tin tưởng có thể thực hiện kế hoạch.
Đội bắn tỉa làm nhiệm vụ bảo vệ ông Trump tại sự kiện vận động tranh cử ở Butler, Pennsylvania, ngày 13/7. Ảnh: AP
Giới chức Mỹ sau đó đã xem xét tăng cường biện pháp an ninh và thực hiện chiến dịch ngoại giao để thuyết phục Iran rằng nước này đang tính toán sai lầm nghiêm trọng.
Elon Musk, đồng minh thân cận của ông Trump, được cho là đã gặp đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc đầu tuần này, dấu hiệu cho thấy không chỉ chính quyền Biden mà cả nhóm của ông Trump đều đang tìm cách tránh xung đột trực tiếp. Nguồn tin Iran cho biết cuộc gặp giữa Musk với đại sứ Amir Saied Iravani diễn ra tại địa điểm bí mật ở thành phố New York, nhằm xoa dịu căng thẳng giữa Iran và Mỹ dưới thời chính quyền Trump.
Tỷ phú Musk hiện vẫn chưa lên tiếng về thông tin này.
Mỹ và Iran không có quan hệ ngoại giao chính thức kể từ sau cách mạng Hồi giáo ở Iran năm 1979, khi 52 người Mỹ bị bắt làm con tin trong đại sứ quán của Washington ở Tehran và bị giữ suốt hơn một năm.
Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Tehran là cơ quan liên lạc ngoại giao chính thức giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, những năm gần đây, quan chức Mỹ và Iran đã tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp và gián tiếp về loạt vấn đề, như chương trình hạt nhân Iran, căng thẳng khu vực và trao đổi người bị giam.
Huyền Lê (Theo NY Times, NBC, Wall Street Journal)