Chuyên mục  


4 cơn bão cùng xuất hiện trên Thái Bình Dương hôm 11/11. Ảnh: NASA Earth Observatory/Wanmei Liang

Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu ghi chép số liệu vào năm 1951, 4 cơn bão nhiệt đới cùng xuất hiện ở Thái Bình Dương vào tháng 11. Những cơn bão này hoạt động ở Tây Thái Bình Dương và ảnh hưởng đáng kể đến Philippines, gây ra những điều kiện thời tiết khắc nghiệt như gió mạnh và mưa lớn. Đây được đánh giá là một sự kiện bất thường và mang tính lịch sử.

Dù bão hình thành trong khu vực này mỗi tháng, kể cả trong mùa lạnh, nhưng chưa bao giờ có 4 cơn bão cùng xuất hiện vào tháng 11, theo Gene Huang, nhà dự báo thời tiết tại Cơ quan Khí tượng Trung ương Đài Loan. Mùa bão cao điểm ở Philippines thường là tháng 7 - 10 và nước này gặp trung bình 20 cơn bão nhiệt đới mỗi năm. Huang cho biết, kể cả vào mùa hè, 4 cơn bão cùng lúc cũng là điều kỳ lạ và điều kiện thời tiết tổng quan năm nay khác so với bình thường.

Theo các nhà khoa học, những khu vực áp suất cao gây bão nhiệt đới cũng ở xa hơn về phía bắc và kéo dài hơn mức bình thường vào thời điểm này trong năm. Họ cho biết, dù chưa kết luận rằng sự ấm lên toàn cầu là nguyên nhân trực tiếp khiến hoạt động bão gia tăng trong tháng 11, đây có thể là một yếu tố. Nhiệt độ mặt biển đã tăng đều đặn và đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái.

Ảnh vệ tinh mà NASA mới công bố do vệ tinh Đài quan sát Khí hậu Không gian sâu (DSCOVR) chụp lúc 8h55 ngày 11/11 theo múi giờ chuẩn Philippines. Bức ảnh cho thấy các cơn bão Yinxing, Toraji, Usagi, Manyi trong trạng thái đang di chuyển về phía Philippines hoặc đã tác động đến nước này và khu vực xung quanh.

Khoảng 40 phút trước khi ảnh được chụp, bão Toraji đổ bộ vào phía đông bắc của đảo chính Luzon, Philippines. Cơn bão gây lũ lụt và mất điện ở tỉnh Aurora. Lở đất do mưa vùi lấp nhiều con đường ở dãy núi Cordillera. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho biết, cơn bão đạt cường độ cực đại vào đêm hôm trước với tốc độ gió duy trì 130 km/h.

Ở phía tây, Yinxing đổ bộ vào Philippines ngày 7/11, 4 ngày trước khi vệ tinh DSCOVR chụp ảnh. Khi cơn bão tiến vào phía bắc đảo Luzon, Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp (JTWC) thông báo, nó có sức gió lên tới 240 km/h, đạt mức siêu bão. Cơn bão suy yếu trước khi đổ bộ vào Việt Nam và tan vào ngày 12/11.

Vào thời điểm chụp ảnh, Usagi là một cơn bão nhiệt đới, sau đó nhanh chóng mạnh lên thành siêu bão. Đến ngày 13/11, Usagi đạt sức gió khoảng 240 km/h. Cơn bão sau đó đổ bộ vào vùng đông bắc Philippines, gây lũ lụt nhấn chìm nhiều ngôi làng ở vùng nông thôn, làm mất điện và khiến hàng nghìn người phải di dời.

Phía đông, vào thời điểm vệ tinh chụp ảnh, Manyi là bão nhiệt đới với sức gió 85 km/h. Đến sáng nay, bão Manyi đã mạnh lên thành siêu bão, với sức gió mạnh nhất hơn 200 km/h, dự kiến ngày 17-18/11 đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão thứ 9 trên khu vực này trong năm 2024.

Philippines đã hứng chịu phần lớn hoạt động bão ở Thái Bình Dương năm nay. Một số cơn bão trước đó như Trà Mi và Kong-rey đã gây lũ lụt và lở đất chết người tại đảo Luzon cuối tháng 10. Mùa bão Tây Thái Bình Dương trải dài suốt cả năm, nhưng đa số bão hình thành trong khoảng tháng 5 - 10. Tháng 11 thường có ba cơn bão được đặt tên, trong đó có một cơn trở thành siêu bão, xét theo mức trung bình giai đoạn 1991-2000.

Thu Thảo (Theo NASA, New York Times)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020