Chuyên mục  


"Đưa robot vào rất hay. Họ là những công nhân cần mẫn, không trì hoãn, làm đêm-ngày", ông Đinh Thanh Sơn đánh giá việc dùng robot tự động trong hoạt động chia chọn hàng hóa, tại phiên tọa đàm của Hội nghị Logistics Việt Nam 2024, ngày 31/10.

Đầu 2024, Viettel Post là công ty logistics trong nước đầu tiên triển khai công nghệ robot tự hành trong trung tâm chia chọn hàng. Tổ hợp 32.000 m2 tại Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội) có 200 con robot tự hành (robot AGV). Các robot này phát triển bởi đội ngũ 100% kỹ sư, chuyên gia trong nước. Chúng phân loại hàng nhẹ với tốc độ đến 2 m/s. Ngoài tăng năng suất 20-30%, robot vẫn làm việc bình thường mà nhà kho không cần chiếu sáng, giúp doanh nghiệp tiết kiệm điện.

Phó tổng giám đốc Viettel Post đánh giá chuyển phát nhanh là lĩnh vực cạnh tranh lớn. Tuy nhiên, trong lúc chi phí các ngành khác tăng thì chuyển phát ngày càng giảm. Ba năm trở lại đây chi phí dịch vụ giảm 40%. "Đây là kết quả của quá trình chuyển đổi số", ông Sơn nói.

Phó tổng giám đốc Viettel Post Đinh Thanh Sơn tại Hội nghị Logistics Việt Nam 2024. Ảnh chụp màn hình livestream Báo Đầu tư

Hiện chi phí logistics tại Việt Nam nói chung chiếm khoảng 16-18% GDP, giảm từ mức trên 20% vào 7-8 năm trước, nhưng vẫn cao hơn trung bình thế giới (10%), theo ông Bùi Thiên Thu - Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa, Bộ Giao thông Vận tải.

Nhiều chuyên gia đồng thuận rằng chuyển đổi số là một trong các phương thức hiệu quả để kéo giảm chi phí và phát triển ngành logistics. Theo Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Đỗ Thành Trung, doanh nghiệp logistics muốn phát triển, cạnh tranh thì buộc phải cải tiến hoạt động, chuyển đổi số. "Đây là những thách thức không nhỏ với các doanh nghiệp logistics Việt Nam vốn phần lớn là vừa và nhỏ với kinh nghiệm, vốn, trình độ nguồn nhân lực hạn chế", ông nói.

Robot tự động là một phần trong trong hoạt động chuyển đổi số đã triển khai gần 10 năm của Viettel Post. Họ ban đầu đi từ chuyển đổi từng bước qua các công cụ IoT (Internet vạn vật), ứng dụng (app) cho nhân viên.

Sau số hóa từng khâu, họ có dữ liệu và bắt đầu cấu trúc lại để dùng trí tuệ nhân tạo phân tích, xây dựng nền tảng quản trị mạng lưới, giúp quản lý hoàn chỉnh các khâu chuyển phát và giao vận. "Hệ thống này giúp tối ưu hóa hoạt động, dự kiến được khả năng bị nghẽn ở đâu để phân bổ nguồn lực", ông Đinh Thanh Sơn nêu.

Đại diện các cơ quan quản lý thảo luận tại Hội nghị. Ảnh Báo Đầu tư

Khuyến nghị cho doanh nghiệp bắt đầu chuyển đổi số, ông Eric Herding, Tổng giám đốc DSV Air & Sea Việt Nam nói cần quan tâm 3 điểm. Đầu tiên, doanh nghiệp cần có mục tiêu rõ ràng, giao tiếp thông suốt giữa bộ phận công nghệ và kinh doanh. Tiếp đến, chuyển đổi số phải đi kèm chuyển đổi quy trình. Cuối cùng, xây dựng kho dữ liệu chính xác, minh bạch. "Nếu dữ liệu không đúng, AI đưa ra các phân tích và gợi ý thì sẽ là thảm họa", ông lưu ý.

Ông Đinh Thanh Sơn xác nhận trong ngắn hạn thì chuyển đổi số chưa mang lại kết quả ngay, đòi hỏi chi phí đầu tư lớn nên nhiều doanh nghiệp chùn bước. Nhưng lợi ích trước mắt là có dữ liệu tường minh hơn, vận hành được mạng lưới từ một nơi.

"Với những gì đã trải qua, tôi khuyên các doanh nghiệp nên chuyển đổi số nhanh", ông nói.

Ngành logistics Việt Nam có trên 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics trong nước và khoảng 25 tập đoàn thế giới đang hoạt động. Tốc độ phát triển hàng năm bình quân đạt 14% - 15%, quy mô 40 - 42 tỷ USD.

Bên cạnh tăng tốc chuyển đổi số, để tháo gỡ các khó khăn, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho rằng cần hoàn thiện cơ chế, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp logistics và cải cách thủ tục hành chính.

Việt Nam cũng cần tập trung phát triển hạ tầng, cũng như các trung tâm logistics quy mô lớn. Ở điểm này, ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế dông nghiệp và Dịch vụ (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho biết hiện nhiều địa phương có biên giới đang đề xuất xây dựng các khu phi thuế quan và thương mại xuyên biên giới. "Bộ đang xem xét về mặt pháp lý, kiến nghị cấp có thẩm quyền để triển khai", ông cho biết thêm.

Viễn Thông

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020