Chuyên mục  


Thông tin được Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho nêu tại cuộc gặp với Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, chiều 12/8.

Ông Choi đánh giá cao việc chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 80 về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng dùng điện lớn.

Trên cơ sở này, Samsung Việt Nam muốn được tạo điều kiện để tăng tỷ lệ sử dụng điện từ năng lượng tái tạo cho sản xuất, với giá và chi phí hợp lý. Việc này góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam về giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net Zero) vào2050.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà và Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho tại cuộc gặp chiều 12/8. Ảnh: VGP

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết sau khi cơ chế DPPA được ban hành, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công Thương rà soát, đưa ra tiêu chí để chọn các dự án điện từ năng lượng tái tạo có kết nối vào lưới điện quốc gia, đưa vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Các dự án phát điện từ năng lượng tái tạo không kết nối vào lưới điện quốc gia thì không giới hạn công suất.

Ông đề nghị Samsung Việt Nam tiếp tục có những đề xuất, kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai cơ chế DPPA. Phó thủ tướng giao Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các bộ, ngành liên quan làm việc với Samsung Việt Nam về các kiến nghị được nêu. Lãnh đạo Chính phủ nhắc lại quan điểm Việt Nam đồng hành, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi xanh, giảm phát thải thông qua xây dựng các quy định về hạn mức phát thải, thị trường tín chỉ, thuế carbon...

Đầu năm nay, loạt tập đoàn lớn như Samsung, Apple, Heineken, Nike đã gửi thư tới Chính phủ, Bộ Công Thương bày tỏ muốn mua điện từ dự án năng lượng tái tạo thông qua cơ chế DPPA, với tổng nhu cầu gần 1.000 MW.

Theo Nghị định 80, điều kiện khách hàng sử dụng điện lớn tham gia DPPA là đấu nối cấp điện áp từ 22kV trở lên và tiêu thụ bình quân từ 200.000 kWh một tháng. Tương ứng, 7.700 khách hàng đủ điều kiện mua bán trực tiếp, theo số liệu của các công ty điện lực. Số này chiếm khoảng 40% tổng điện năng tiêu thụ cả nước. Tuy vậy, theo giới chuyên môn, phải tới cuối 2025 mới có dự án mua bán điện trực tiếp không qua EVN.

Samsung hiện nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam, với 6 nhà máy sản xuất, một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), với tổng vốn đầu tư lũy kế 22,8 tỷ USD. Bảy tháng đầu năm, hãng xuất khẩu 33,5 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ. Tỷ trọng xuất khẩu của Samsung Việt Nam chiếm gần 14,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Trong thời gian tới, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị tập đoàn này tiếp tục đầu tư các trung tâm R&D và chuyển giao với những ngành công nghiệp mới, như chip bán dẫn.

Trước đó, đầu tháng 7, trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hàn Quốc, Chủ tịch Samsung Lee Jae Yong nói tập đoàn này sẽ đầu tư mạnh 3 năm tới. Việc này nhằm đưa các nhà máy tại Việt Nam của hãng trở thành cứ điểm sản xuất module lớn nhất toàn cầu.

Dỹ Tùng

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020