Chuyên mục  


Trong tuần qua, Vua Cua bị ùn trên 3.000 đơn hàng phải giao chậm hơn dự kiến vì đội ngũ tài xế giao hàng (shipper) quá tải. Chị Đoàn Thị Anh Thư, CEO Vua Cua cho biết phải liên tục đăng tuyển shipper. Từ đầu tuần, công ty tuyển được thêm 22 tài xế. Lực lượng này có thể vận chuyển hơn 600 đơn hàng mỗi ngày, giải tỏa bớt căng thẳng nhưng vẫn chưa đủ.

"Chúng tôi đang tuyển thêm 20 tài xế nữa vì lượng đơn hàng cũng tăng lên, áp lực vẫn cao", chị Thư nói và cho biết công ty sắp cán mốc bán được 10 tấn nông sản trong mùa dịch. Ngoài ra, với dịch vụ giao cua sống tận nhà vừa tung ra, dự kiến lượng đơn hàng sẽ lại càng nhiều.

Tương tự, ông Nguyễn Tuấn Khởi, Trưởng ban tổ chức dự án FoodShare cho hay, việc ùn đơn là không thể tránh khỏi vì nhu cầu phân phối thực phẩm tận nơi vẫn rất lớn. "Mỗi ngày, chúng tôi nợ 800-1.000 đơn hàng là bình thường", ông Khởi cho biết. FoodShare đang có 10 tài xế giao hàng hai bánh, dự án đang tập trung giải tỏa áp lực bằng cách tăng đội xe tải giao hàng để an toàn và năng suất hơn.

"Chúng tôi khuyến khích mọi người đặt mua cho nhu cầu sử dụng từ 3 ngày. Vì nhân lực có giới hạn nên chúng tôi đang bán và giao trực tiếp chứ chưa thể mở thêm kênh trên các nền tảng khác", ông Khởi cho biết thêm.

quyn9787-1628137857-1628137872-1174-1628138671.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=mo3Iq7QiuBbgo5P5W41-VQ

Một shipper ngồi chờ tiêm vaccine tại quận 11 ngày 2/8/2021. Ảnh: Quỳnh Trần.

Nhìn chung, sau khi TP HCM tích cực mở rộng tiêm chủng cho tài xế và cho phép giao hàng liên quận, một số đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ và người tiêu dùng khác cũng xác nhận, tình hình thiếu hụt tài xế đã qua mức đỉnh điểm nhưng vẫn ở mức khan hiếm.

"Trên Shopee có tính năng cho phép người mua chọn đơn vị giao hàng. Những ngày gần đây, một số đơn vị tôi chọn lựa đã giao nhanh hơn trước. Nhưng giờ vẫn chưa phải lúc mua hàng chọn phương án giao rẻ nhất mà vẫn phải dựa vào kinh nghiệm để chọn nhà phát hàng nào nhanh nhất có thể", chị Ngọc Bích (Phú Nhuận), cho biết.

Anh Thắng Đặng (quận 3) thì không may mắn như thế. Anh vẫn còn 7 đơn hàng đợt săn sale 7/7 trên Shopee và Tiki vẫn chưa nhận được sau gần một tháng. "Có đơn báo bắt đầu đi giao rồi nhưng qua 1-2 tuần vẫn chưa thấy đâu. Tôi có mua cả hàng thiết yếu và không thiết yếu", anh Thắng cho biết.

Theo thông tin Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho TP HCM và các tỉnh phía nam (Bộ Công Thương), tính đến sáng 4/8, cả 3 chợ đầu mối và 204/234 chợ truyền thống, 7 siêu thị và 127 cửa hàng tiện lợi hiện phải tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng của dịch.

Để tăng cường nguồn cung, kênh mua sắm hàng hóa cho người dân, thành phố đã bổ sung thêm điểm 108 điểm bán cố định, 509 điểm bán lưu động với 773 lượt xe. Sáu sàn thương mại điện tử gồ Sendo, Voso, Tiki, Postmart, Shopee, Lazada đều đang tích cực triển khai cung ứng hàng hóa. Điều này cũng đồng nghĩa, nhu cầu shipper vẫn ngày một tăng.

Các nền tảng giao nhận cũng xác nhận với VnExpress về áp lực thiếu hụt tài xế có giảm nhưng khó khăn thì chưa hết. Loship hiện có khoảng 1.000-2.000 tài xế hoạt động mỗi ngày. CEO Nguyễn Hoàng Trung cho biết, công ty đã ghi nhận sự cải thiện rõ rệt trong việc số lượng shipper hoạt động mỗi ngày.

"Về cơ bản, Loship tin rằng mọi thứ sẽ dần được cải thiện tốt hơn", ông Trung khẳng định. Hiện công ty đã làm việc với Sở Y tế TP HCM và các cơ quan ban ngành để đưa danh sách shipper Loship vào đối tượng ưu tiên tiêm chủng vaccine sớm nhất.

Tuy nhiên, cái khó mà Loship gặp phải, theo ông Trung là quy định hàng thiết yếu chưa thật sự rõ ràng, đôi lúc gây nhiều bất cập cho shipper trong quá trình giao hàng. Việc shipper gặp các chốt kiểm tra và có được cho qua hay không rất phụ thuộc vào quyết định riêng của từng chốt. Ngoài ra, mặc dù vấn đề giao liên quận thông qua phương tiện đại chúng thì được cho phép, nhưng sự áp dụng tại các chốt kiểm dịch lại không đồng nhất dẫn đến tâm lý sợ sệt của shipper.

Với AhaMove, đơn vị này đăng ký số tài xế chạy tại TP HCM là 15.000 và đều được cấp phép. Đến nay, 20% tài xế đã được tiêm vaccine. Tài xế đã đăng ký có thể được công ty điều động hoặc chủ động liên hệ với các điểm tiêm ở phường, quận để tiêm rồi báo về công ty kết quả.

Nền tảng này cho hay, với việc tiêm vaccine theo đợt, đội ngũ shipper được luân phiên tiêm chủng sẽ đảm bảo tình trạng hoạt động của shipper không bị gián đoạn. Đại diện này đánh giá, tinh thần tuy được cải thiện rất nhiều sau sự lúng túng ban đầu, nhưng nỗi lo trong công việc luôn ở đó.

Phía Giao Hàng Nhanh thì cho hay, tính đến đầu tháng 9, tổng số tài xế đang hoạt động là 8.000 người. Có khoảng 25% tài xế của công ty đã được tiêm vaccine. Tuy nhiên, CEO Lương Duy Hoài cho biết, doanh nghiệp và các nhân viên vẫn đang bị ảnh hưởng nhiều do khách hàng lo ngại hàng hoá không thể giao nhận được và tạm ngừng kinh doanh.

Ông Hoài nhận định, trong giai đoạn này, các đơn hàng sẽ gặp nhiều trở ngại. Công ty sẽ thông báo sớm đến các khách hàng và có các biện pháp hỗ trợ huỷ, hoàn đơn hoặc hoãn ngày giao hàng phù hợp.

Trước đó, việc vận hành hệ thống kho trung chuyển, bưu cục trải khắp TP HCM gặp nhiều thách thức. Nhiều tuyến giao bị cắt vì nằm ở khu phong tỏa. Doanh nghiệp phải "căng não" đảm bảo an toàn tại kho trung chuyển hàng hóa, vốn là trái tim trong hệ thống.

Hiện tại, Giao hàng Nhanh dồn lực để đảm bảo hàng hoá lưu thông ổn định và an toàn, đặc biệt là các hàng hoá thiết yếu từ các tỉnh đổ về cung cấp cho TP HCM. Tuy nhiên, về dài hạn, doanh nghiệp này kỳ vọng Chính phủ có những biện pháp hỗ trợ ngành logistics. Trong đó, nhân viên và tài xế giao hàng được nằm trong danh sách ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 sẽ là biện pháp giúp ổn định hoạt động cho toàn ngành, đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa.

Viễn Thông - Tất Đạt

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020