Chuyên mục  


Những ngày này, khắp các vùng quê, miền núi của tỉnh Quảng Ngãi, thương lái tấp nập hỏi mua cau tươi (loại cả cuống và quả). Hiện giá một kg được họ thu mua tại vườn khoảng 50.000 - 55.000 đồng.

Bà Nguyễn Thị Chí, một tiểu thương ở huyện Nghĩa Hành cho biết, giá cau phụ thuộc vào nguồn cung và thị trường Trung Quốc - nơi tiêu thụ chính mặt hàng này. Sau khi thu mua tại vườn, thương lái sẽ chở đến điểm tập kết, tách quả khỏi cuống và sấy khô. Thông thường 7-8 kg trái tươi sẽ cho một kg cau khô, sau đó họ xuất sang Trung Quốc để làm kẹo.

Loại trái này thường được giá cao nhất vào dịp Tết do nhu cầu lớn, trên 100.000 đồng mỗi kg và sau đó giảm dần. Mọi năm vào dịp hè, giá cau khoảng hơn 10.000 đồng một kg, nhưng năm nay liên tục tăng.

Cuối tháng 4, loại trái này khoảng 25.000 đồng mỗi kg và tăng lên gấp đôi vào tháng 6, ở mức 50.000-55.000 đồng. Mức này gấp khoảng 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

"Cau tăng giá, thương lái vẫn tranh mua vì sợ mất mối với nhà vườn. Điều này cũng tiềm ẩn rủi ro khi giá ở Trung Quốc biến động", bà Chí nói.

Cau - quả được thương lái tranh nhau mua ở Quảng Ngãi. Ảnh: Phạm Linh

Tuy vậy, nhà vườn thêm thu nhập đáng kể khi cau tăng giá. Bà Trần Huyền Thanh (xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành) cho biết, mỗi buồng cau nặng khoảng 3-5 kg, bán được 200.000 đồng. Bà Thanh thu về khoảng 8 triệu đồng sau khi bán 40 buồng cau trong vườn.

Theo các tiểu thương, Quảng Ngãi vẫn chưa phải là địa phương có giá thu mua cao nhất. Tại Đăk Lăk, mỗi kg cau tươi được bán tại vườn lên tới 75.000 đồng với quả đẹp, chất lượng tốt.

Một điểm tập kết mua cau ở Quảng Ngãi. Ảnh: Phạm Linh

Cau ở Quảng Ngãi được người dân trồng nhỏ lẻ trong vườn nên ngành nông nghiệp chưa có số liệu thống kê toàn tỉnh. Riêng ở huyện miền núi Sơn Tây - nơi được mệnh danh là xứ ngàn cau, diện tích trồng khoảng 1.000 ha.

Ông Phạm Hồng Khuyến, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Tây cho biết, cơn sốt giá khiến thương lái tới lùng mua cau tại nhiều nhà vườn của huyện. Tuy nhiên, loại quả này chưa vào vụ thu hoạch chính do thời tiết lạnh hơn vùng đồng bằng, nên một số diện tích bị thu hoạch non.

Theo ông, cây cau mang lại thu nhập tốt cho người dân miền núi như Sơn Tây, nhưng đầu ra phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. "Hy vọng một tháng nữa khi vào chính vụ, giá vẫn cao để bà con trúng mùa", ông Khuyến nói.

Phạm Linh

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020