Chuyên mục  


Politico dẫn lời ba nguồn tin giấu tên am hiểu tình hình cuối tuần trước tiết lộ Ukraine đang có 30 phi công đủ điều kiện tham gia huấn luyện vận hành tiêm kích F-16 tại Mỹ, nhưng Washington thông báo với Kiev rằng họ không thể tiếp nhận quá 12 học viên trong mỗi khóa đào tạo.

Giới chức Ukraine suốt nhiều tuần qua đã yêu cầu Mỹ huấn luyện thêm phi công trong khóa học tại căn cứ Morris của Không quân Vệ binh Quốc gia bang Arizona. Hàng loạt nghị sĩ, trong đó có các lãnh đạo Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, cũng hối thúc chính quyền Tổng thống Joe Biden phê duyệt đề xuất này và ưu tiên đào tạo phi công chiến đấu cho Kiev.

Tuy nhiên, các quan chức chính quyền Mỹ liên tục nêu ra hàng loạt trở ngại. Ngoài giới hạn số lượng học viên mỗi khóa, quân đội Mỹ cũng phải đáp ứng cam kết đào tạo phi công F-16 cho nhiều quốc gia khác.

Loạt tiêm kích F-16 chuẩn bị cất cánh tại căn cứ Luke, bang Arizona của Mỹ, hồi tháng 5. Ảnh: USAF

"Ngoài học viên Ukraine, nhiều nước đã đặt chỗ từ trước. Chúng tôi không thể quyết định số lượng phi công nước ngoài, mà phụ thuộc vào hàng loạt yếu tố như ngân sách, yêu cầu của từng quốc gia, thời gian phi công hoàn thành khóa học tiếng Anh và phân bổ nhiệm vụ", thiếu tá Erin Hannigan, phát ngôn viên Vệ binh Quốc gia bang Arizona, cho hay.

Phát ngôn viên không quân Mỹ Laurel Falls cho biết Vệ binh Quốc gia Mỹ đang lên kế hoạch huấn luyện tổng cộng 12 phi công Ukraine trước tháng 10 năm nay.

Không quân Mỹ có các khóa huấn luyện điều khiển F-16 tại bang Arizona và Texas, nhưng rất hạn chế phi công nước ngoài, thường được đặt chỗ từ lâu và chỉ dành cho quân nhân từ những nước đang vận hành dòng tiêm kích này.

Theo một cựu quan chức Lầu Năm Góc giấu tên, 8 phi công Ukraine đang được huấn luyện ở Đan Mạch. Tuy nhiên, cơ sở này sẽ đóng cửa vào năm sau và không còn tham gia dự án đào tạo phi công F-16, do không quân Đan Mạch đang chuyển dần sang vận hành tiêm kích tàng hình F-35.

Tập đoàn Lockheed Martin, hãng sản xuất dòng F-16, và nhà thầu phụ Draken đang chuẩn bị triển khai chương trình đào tạo ở Romania, nhưng dự án này rất tốn kém và cũng bị giới hạn về số phi công mỗi khóa.

Cựu quan chức Lầu Năm Góc nói rằng tổng cộng 20 phi công Ukraine sẽ tốt nghiệp khóa đào tạo F-16 trong năm nay, chỉ đạt một nửa con số cần thiết để vận hành phi đoàn 20 chiếc theo biên chế của Mỹ. "Với tốc độ hiện nay, Kiev sẽ phải chờ đến cuối năm 2025 mới đủ phi công", người này cho hay.

Các nước phương Tây cam kết cung cấp hơn 40 tiêm kích F-16 cho Ukraine, trong đó 19 chiếc của Đan Mạch và 24 máy bay từ Hà Lan, sau khi Washington bật đèn xanh cho đồng minh và đối tác chuyển giao mẫu tiêm kích nói trên.

Tiêm kích F-16 trên bầu trời bang Arizona hồi năm 2022. Ảnh: USAF

Tiêm kích F-16 được kỳ vọng sẽ là sự nâng cấp cần thiết cho lực lượng không quân già cỗi của Ukraine, vốn chủ yếu gồm các phi cơ sản xuất từ thời Liên Xô và đã hứng tổn thất nghiêm trọng sau hơn hai năm chiến sự.

Dù vậy, nhiều quan chức Mỹ cảnh báo loại vũ khí này sẽ không tạo ra đột biến trên chiến trường. Một quan chức Mỹ nói rằng Ukraine sẽ không thể triển khai F-16 đến gần biên giới ở tỉnh Kharkov, do phòng không Nga sẽ dễ dàng phát hiện và bắn hạ chúng.

"F-16 có thể cải thiện năng lực chiến đấu cho quân đội Ukraine, nhưng không phải khí tài có khả năng thay đổi đáng kể cục diện xung đột", Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall thừa nhận.

Vũ Anh (Theo Politico)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020