Chuyên mục  


"Với những lô hàng đến trực tiếp từ kho vũ khí quân đội, tôi phải thẳng thắn thừa nhận rằng chúng tôi đã đạt tới giới hạn", Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht nói với tờ Augsburger Allgemeine của nước này hôm nay.

Bà Lambrecht giải thích rằng quân đội Đức không thể cung cấp thêm vũ khí, khí tài cho Ukraine do vẫn phải duy trì một lượng dự trữ để đảm bảo khả năng phòng thủ quốc gia và bảo vệ đồng minh NATO.

"Điều này không đồng nghĩa chúng tôi không thể giúp Ukraine nhiều hơn nữa", bà lưu ý, cho biết Đức đang làm việc với các công ty quốc phòng để chuyển trực tiếp vũ khí cho Kiev.

Bà từ chối tiết lộ chi tiết những khoản viện trợ vũ khí nhằm bảo mật thông tin theo yêu cầu của giới chức Ukraine.

"Một khi các đợt chuyển giao vũ khí được công bố chi tiết, Nga cũng nắm được thông tin. Riêng yếu tố này đã mang những hàm ý chiến lược quân sự đáng kể", bà nhấn mạnh.

Thiết giáp Marder của quân đội Đức vượt sông Kunduz tại Afghanistan vào tháng 5/2010. Ảnh: Bộ Quốc phòng Đức.

Đức đối diện nhiều sức ép cả trong và ngoài nước trong việc tăng tốc độ và quy mô hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Lãnh đạo đảng đối lập Friedrich Merz đề nghị chính phủ Thủ tướng Olaf Scholz gửi thêm vũ khí hạng nặng như xe tăng cho quốc gia này.

Ukraine trước đó đã đề nghị Đức hỗ trợ 100 xe thiết giáp Marder, được sản xuất bởi công ty Rheinmetall. Giám đốc công ty Armin Papperger tuần qua khẳng định họ có thể nhanh chóng chuẩn bị khoảng 20 chiếc Marder và gửi cho Ukraine.

Thủ tướng Scholz tuần này khẳng định Đức đã gửi nhiều vũ khí cho Ukraine và sẽ chuyển thêm trong tương lai. Ông nhấn mạnh Berlin chấp nhận gửi những vũ khí trong kho của quân đội Đức cho Kiev, với điều kiện các khoản hỗ trợ này "hợp lý và có khả năng tạo tác động nhanh chóng".

Thủ tướng Scholz cũng bác bỏ chỉ trích rằng bà Lambrecht đã không nỗ lực chuyển vũ khí cho Ukraine đủ nhanh. Ông nói người lãnh đạo Bộ Quốc phòng Đức đang làm hết khả năng, nhưng vẫn cần cân nhắc giữa mong muốn của các đồng minh và năng lực quân sự quốc gia.

Trước khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 24/2, Đức không mặn mà với những lời kêu gọi viện trợ vũ khí cho Ukraine bất chấp căng thẳng leo thang. Chiến sự bùng phát sau đó đã buộc Đức thay đổi chính sách, gửi tên lửa phòng không vác vai và tên lửa chống tăng cùng nhiều khoản hỗ trợ khác cho Ukraine.

Trung Nhân (Theo AFP, DW)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020