Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM và khu vực ở Đà Nẵng. Tại cuộc họp ngày 17/12, Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình cho biết đây là quyết sách chính trị lớn, nhằm chuẩn bị cho "kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; tạo cơ chế, nguồn lực mới và là cú hích mạnh cho nền kinh tế".
Do đó, theo Phó thủ tướng, các trung tâm này cần sớm được hình thành. Ông cũng cho rằng Việt Nam có lợi thế của người đi sau, học hỏi kinh nghiệm từ các trung tâm tài chính lớn trong khu vực, thế giới.
Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại cuộc họp về xây dựng trung tâm tài chính khu vực, quốc tế, ngày 17/12. Ảnh: VGP
Tháng 10/2023, Chính phủ đã lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng ban.
Theo dự thảo TP HCM đưa ra đầu năm 2022, mô hình trung tâm tài chính gồm thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng, thị trường vốn, hàng hóa phái sinh. Thành phố đưa ra lộ trình triển khai trung tâm tài chính quốc tế theo 3 giai đoạn đến năm 2030. Để triển khai, TP HCM sẽ phát triển Fintech, ngân hàng số và giao dịch tài chính số; hội nhập khu vực cho trung tâm tài chính; phát triển khu tài chính - thương mại Thủ Thiêm và thị trường hàng hóa.
Còn với Đà Nẵng, thành phố đã chuẩn bị quỹ đất cùng các chính sách đặc thù về thuế, hạ tầng trong 10 năm để đón nhà đầu tư.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã trình Chính phủ dự thảo Kế hoạch hành động về xây dựng trung tâm hành chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Họ cũng tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, ý kiến chuyên gia, tổ chức trong và ngoài nước về phát triển lĩnh vực này. Bộ này cũng đề xuất lập Ban chỉ đạo liên ngành về trung tâm tài chính. Đây sẽ là đơn vị định hướng, điều phối, bảo đảm vận hành thông suốt, nhất là giai đoạn xây dựng cơ chế.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư cho rằng việc xây dựng trung tâm tài chính là vấn đề mới, khó, nên cần có cơ chế vượt trội. Những chính sách này, ông nói "phải là những cái người ta cần, chứ không phải thứ chúng ta có". Ông Dũng lưu ý quá trình triển khai cần qua tư vấn, hoạt động kết nối để biết nhà đầu tư cần gì. Việc này giúp nhà điều hành xây dựng chính sách phù hợp, khả thi.
Đồng tình, Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình đề nghị các bộ ngành liên quan hoàn thiện thể chế, chính sách và chuẩn bị nguồn nhân lực để có bộ máy quản lý khi các trung tâm tài chính đi vào vận hành. Ông yêu cầu có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực trong nước, đáp ứng nhu cầu khi các trung tâm này đi vào vận hành. Cùng với đó, các cơ quan cần đưa ra cơ chế thu hút nhân lực nước ngoài làm việc tại các trung tâm này.
Phương Dung