"Hiến pháp Ukraine không cho phép chúng tôi từ bỏ lãnh thổ, dù trên thực tế Nga đang kiểm soát những vùng này", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói trong cuộc phỏng vấn trực tuyến với Le Parisien, được đăng tải ngày 17/12, khi được hỏi liệu Kiev có sẵn sàng đánh đổi hai vùng Donbass và Crimea, hoặc tạm thời từ bỏ lãnh thổ, để có hòa bình hay không.
Ông Zelensky thừa nhận quân đội Ukraine "không đủ sức giành lại lãnh thổ". Do đó, Kiev chỉ có thể dựa vào sức ép ngoại giao từ cộng đồng quốc tế để buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin bước vào bàn đàm phán.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trả lời phỏng vấn ngày 16/12. Ảnh: Le Parisien
Ông Zelensky dường như cũng từ bỏ tuyên bố trước đây rằng Kiev sẽ không đàm phán với Moskva nếu ông Putin còn tại nhiệm.
"Ai ngồi đối diện trên bàn đàm phán cũng không quan trọng", ông phản hồi câu hỏi liệu sẽ chấp nhận gặp trực tiếp ông Putin hay không. "Điều quan trọng là vị thế khi bắt đầu đàm phán. Tôi không nghĩ chúng tôi đang yếu thế, nhưng cũng không có ưu thế".
Lãnh đạo Ukraine cho rằng đàm phán với bối cảnh hiện nay sẽ có lợi nhiều hơn cho Nga và ông Putin có thể đưa ra những yêu cầu tác động đến toàn khu vực. Ông cho rằng Ukraine cùng đồng minh cần xây dựng được "kế hoạch hành động, kế hoạch hòa bình" trước khi bắt đầu thương lượng với Nga.
Cục diện chiến sự Ukraine.Đồ họa: RYV
Ông Zelensky cũng nhắc đến các thông điệp kêu gọi đàm phán từ ông Donald Trump, cho rằng Tổng thống đắc cử Mỹ muốn đóng băng xung đột Ukraine và thúc ép thỏa hiệp vì chưa tiếp nhận đầy đủ thông tin.
Tổng thống Zelensky hy vọng mình và ông Trump sẽ tìm được tiếng nói chung sau khi ông Trump nhậm chức vào ngày 20/1/2025 và có được thông tin tình báo, quốc phòng, ngoại giao đầy đủ về tình hình Ukraine.
"Ông Trump hiểu rõ mong muốn của tôi: Không thể hấp tấp và gây tổn hại cho Ukraine. Đất nước tôi đã chiến đấu quá lâu để bảo vệ chủ quyền. Dù có bao nhiêu tổng thống hay thủ tướng kêu gọi chấm dứt chiến tranh, chúng tôi không thể đầu hàng và từ bỏ độc lập", ông nói.
Giới lãnh đạo Nga đã nhiều lần đề cập tới các điều kiện chấm dứt xung đột. Trong phát biểu ngày 14/6, ông Putin nói Moskva chỉ chấp nhận ngừng bắn và đàm phán hòa bình nếu Ukraine từ bỏ hoàn toàn ý định gia nhập NATO, công nhận chủ quyền của Nga đối với bán đảo Crimea, rút toàn bộ lực lượng khỏi 4 vùng lãnh thổ mà Nga đã sáp nhập, gồm Zaporizhzhia, Kherson, Donetsk và Lugansk.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 8/12 cáo buộc Ukraine từ chối các nỗ lực hòa bình, không nối lại đối thoại dựa trên thỏa thuận ngừng bắn dang dở ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2022.
Thanh Danh (Theo Ukrinform, Pravda, Meduza)