Trong buổi vận động tranh cử ở bang Wisconsin hôm 7/9, cựu tổng thống Donald Trump kêu gọi sửa đổi Tu chính án 25 trong Hiến pháp Mỹ để có thể phế truất "Phó tổng thống nói dối và tham gia âm mưu che đậy năng lực yếu kém của Tổng thống".
"Nếu người này làm gì đó nhằm che giấu giúp Tổng thống Mỹ, đó là cơ sở để luận tội và bãi nhiệm ngay lập tức", ông Trump tuyên bố. Đây là nỗ lực mới nhất của ông Trump nhằm công kích Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó tổng thống Kamala Harris, ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm nay.
Phó tổng thống Harris chưa đưa ra bình luận.
Ông Trump cùng đồng minh phe Cộng hòa nhiều lần cáo buộc bà Phó tổng thống Harris và các thành viên cấp cao của đảng Dân chủ đã che giấu tình trạng suy giảm sức khỏe tâm thần của ông Biden, nhất là sau buổi tranh luận trực tiếp hồi tháng 6.
Tại sự kiện, ông chủ Nhà Trắng liên tục nói nhịu với giọng khàn, thường xuyên hắng giọng và tỏ ra thiếu mạch lạc khi phát biểu. Tổng thống Biden tuyên bố dừng tranh cử sau đó một tháng.
Ông Trump phát biểu sau lớp kính bảo vệ tại buổi mít tinh ở bang Wisconsin hôm 7/9. Ảnh: AFP
Trong khi đó, bà Harris vẫn tiếp tục bảo vệ ông Biden và khẳng định Tổng thống Mỹ còn minh mẫn. Phó tổng thống Mỹ tháng trước cho biết không hối hận khi tuyên bố rằng cấp trên của mình vẫn đủ sức khỏe để phục vụ thêm một nhiệm kỳ.
"Ông ấy thông minh, tận tụy, phán đoán tốt và có nhân cách, những điều tôi nghĩ người dân Mỹ xứng đáng có được từ tổng thống của họ", bà cho hay.
Tu chính án 25 quy định các vấn đề liên quan đến quy trình kế nhiệm tổng thống và bãi nhiệm chức vụ này, điều cần được phó tổng thống và phần lớn nội các ủng hộ. Tu chính án 25 không đề cập quy trình phế truất phó tổng thống và việc sửa đổi hiến pháp cần được 3/4 tổng số bang phê chuẩn.
Luận tội là quy trình riêng rẽ không cần sửa đổi hiến pháp, chỉ yêu cầu đa số nghị sĩ tại Hạ viện Mỹ ủng hộ để thông qua điều khoản luận tội và 2/3 số phiếu hậu thuẫn tại Thượng viện để kết tội. Ông Trump từng hai lần bị Hạ viện luận tội khi còn tại nhiệm, song nỗ lực này luôn bị chặn đứng tại Thượng viện.
Phạm Giang (Theo CNN, Reuters, AFP)