Nợ công Mỹ tăng nhanh khi chính phủ liên tiếp đi vay với tốc độ kỷ lục. Tính trung bình, khối nợ hiện tại tương đương 104.000 USD với mỗi người dân Mỹ. Chỉ trong một năm, nợ công của nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng thêm 2.350 tỷ USD.
Tháng 1/2024, mức nợ của Mỹ chạm ngưỡng 34.000 tỷ USD. Cách đây 40 năm, con số này chỉ là 907 tỷ USD.
Nợ công là số tiền mà chính phủ Mỹ đi vay khi ngân sách thâm hụt. Vài năm qua, thâm hụt của nước này tăng lên do lãi suất cao, khiến chi phí trả lãi cho các khoản nợ cũ tăng. Các chương trình chi tiêu bắt buộc cho an sinh xã hội cũng khiến ngân sách càng thiếu hụt.
Tiền giấy 1 USD được in tại Cục Khắc và In ấn Mỹ. Ảnh: Reuters
"Tin tức trên không phải là điều bất ngờ với những ai đã theo dõi lâu. Tháng trước, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) cảnh báo người Mỹ rằng khối nợ sẽ lập kỷ lục mới. Thâm hụt ngân sách dự kiến đạt 2.000 tỷ USD năm nay và lên 3.000 tỷ USD trong 10 năm nữa", Maya MacGuineas - Giám đốc Committee for a Responsible Federal Budget nhận xét. Đây là tổ chức phi lợi nhuận tại Washington (Mỹ), chuyên theo dõi các vấn đề về ngân sách.
MacGuineas thúc giục giới chức Mỹ giảm thâm hụt bằng cách đưa ra kế hoạch nghiêm túc thay vì hứa hẹn giảm chi tiêu, thuế. "Cuộc bầu cử không phải là cái cớ để trì hoãn các thay đổi. Nợ quốc gia là một trong những mối đe dọa lớn nhất mà chúng ta đang phải đối mặt", bà nói.
Ước tính mới nhất của CBO cho thấy thâm hụt ngân sách chính phủ Mỹ năm nay vào khoảng 1.900 tỷ USD. Con số này lớn hơn 200 tỷ USD so với năm ngoái.
Đây cũng sẽ là mức thâm hụt cao thứ 3 trong lịch sử nước này, chỉ sau mức 3.100 tỷ USD tài khóa 2020 và 2.700 tỷ USD vào 2021. Hai năm này là thời điểm chi tiêu liên bang tăng kỷ lục vì các chương trình hỗ trợ trong đại dịch.
Thống kê tháng trước của Committee for a Responsible Federal Budget cho thấy trong nhiệm kỳ của mình, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký duyệt vay thêm 8.400 tỷ USD. Còn Tổng thống Joe Biden đến nay chấp thuận vay 4.300 tỷ USD.
Sau cuộc bầu cử cuối năm nay, chính quyền mới của Mỹ sẽ phải đối mặt với một loạt hạn chót tài chính vào năm tới. Đầu tiên là ngày 1/1/2025, khi thỏa thuận đình chỉ trần nợ được thông qua năm 2023 hết hiệu lực. Khi đó, các nghị sĩ phải đàm phán nâng trần nợ hoặc đóng băng tiếp. Bộ Tài chính Mỹ cũng phải thực hiện "các biện pháp bất thường" để nước này tránh vỡ nợ trong vài tháng sau đó.
Hà Thu (theo Fox, NYT)