Ngư lôi Poseidon trong xưởng chế tạo. Video: Bộ Quốc phòng Nga.
Siêu ngư lôi Poseidon (Thần biển) là một trong 5 "siêu vũ khí" thế hệ mới được Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố hồi đầu tháng 3/2018. Nó được mệnh danh là "ngư lôi ngày tận thế" vì mang đầu đạn có sức công phá ngang 100 triệu tấn thuốc nổ TNT, đủ sức xóa sổ một thành phố. Tuy nhiên, giới chuyên gia phương Tây vẫn tỏ ra hoài nghi về sức mạnh thực sự của siêu vũ khí này, theo Popular Mechanics.
Với đường kính hai mét, chiều dài 24 m và nặng khoảng 100 tấn, Poseidon là ngư lôi lớn nhất thế giới, có kích thước gấp ba lần một ngư lôi hạng nặng. Chỉ có một số tàu ngầm được chế tạo riêng hoặc hoán cải đặc biệt mới có thể trang bị vũ khí này, trong đó mỗi chiếc mang được 8 quả Poseidon.
Nga còn tuyên bố Poseidon có tầm hoạt động không giới hạn nhờ trang bị một động cơ hạt nhân cỡ nhỏ. Tốc độ hành trình cao cho phép nó tiếp cận mọi mục tiêu chỉ trong vài giờ, vượt qua những hệ thống đánh chặn hiện đại nhất thế giới.
Khi được kích nổ ở vùng biển ngoài khơi, Poseidon được cho là có thể tạo ra một trận sóng thần lớn tàn phá mọi công trình, nhà cửa vùng duyên hải đối phương. Nước biển nhiễm xạ từ vụ nổ hạt nhân của Poseidon cũng sẽ biến khu vực bị ảnh hưởng thành "vùng đất chết" trong thời gian dài.
Tuy nhiên, chuyên gia quân sự David Hambling cho rằng Moskva đã thổi phồng các thông số của Poseidon và một số tính năng của nó không mang tính thực tiễn cao. Nguồn tin quân sự Nga hồi tháng 5/2018 tiết lộ đầu đạn Poseidon trên thực tế chỉ đạt sức công phá tương đương 20 triệu tấn TNT, có uy lực lớn nhưng không đủ tạo ra sóng thần hủy diệt một thành phố.
Trong thập niên 1950 và 1960, quân đội Mỹ từng tiến hành nghiên cứu trong lĩnh vực này và kết luận việc tạo sóng thần bằng một vụ nổ hạt nhân để tàn phá mục tiêu không phải là vũ khí hiệu quả.
"Phần lớn năng lượng của cơn sóng được tạo ra từ vụ nổ hạt nhân sẽ bị triệt tiêu khi va đập vào thềm lục địa, trước khi nó đến bờ biển", WG Van Dorn, nhà khoa học thuộc Phòng nghiên cứu Hải quân Mỹ, khẳng định. Hiện tượng các con sóng khổng lồ tiêu tan khi vẫn còn ở ngoài khơi được gọi là hiệu ứng Van Dorn, được xác nhận nhờ sử dụng kỹ thuật máy tính hiện đại.
Bởi vậy, sức hủy diệt thực sự của Poseidon vẫn là một dấu hỏi lớn, bởi Nga trong tương lai gần nhiều khả năng sẽ không kích nổ một loại vũ khí hạt nhân như vậy trong điều kiện thực tế để kiểm nghiệm uy lực của nó.
|
Phần đuôi ngư lôi Poseidon được Nga công bố hồi cuối năm 2018. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga. |
Tốc độ của Poseidon cũng gây ra nghi vấn. Ban đầu, Nga tuyên bố nó đạt vận tốc khó tin là 185 km/h, gấp đôi vận tốc loại ngư lôi nhanh nhất của Mỹ. Moskva sau đó đính chính, cho biết nó đạt tốc độ khoảng 109-130 km/h. Trong khi đó, một nguồn tin quân sự Nga giấu tên lại khẳng định Posiedon có thể vượt mức 200 km/h nhờ sử dụng công nghệ siêu khoang giống mẫu VA-111 Shkval.
Chuyên gia tàu ngầm H.I Sutton cho rằng thông tin ngư lôi Poseidon sử dụng công nghệ siêu khoang của Nga vẫn chưa có tính thuyết phục. Một số đặc điểm như kích cỡ cánh lái, hình dạng mũi và chiều dài của Poseidon khiến công nghệ siêu khoang không phù hợp.
"Ngư lôi sử dụng công nghệ siêu khoang sẽ rất ồn, khiến nó mất lợi thế chính là khả năng ẩn mình trong đại dương. Vũ khí này không có ý nghĩa về mặt chiến thuật", chuyên gia Justin Bronk tại Viện Quân sự Hoàng gia Anh (RUSI) đánh giá.
Loại vũ khí này lần đầu tiên xuất hiện trong một phóng sự của kênh truyền hình nhà nước Nga, khi máy quay vô tình lướt qua tài liệu tuyệt mật chứa bản vẽ và thông tin chi tiết về hệ thống vũ khí mới với tên gọi "Status-6". Nhiều người cho rằng đó là hành động cố ý của quân đội Nga, nhằm thúc đẩy phương Tây đổ tiền vào việc tìm cách khắc chế mối đe dọa không có thực.
Tuy nhiên, Lầu Năm Góc đã xác nhận sự tồn tại của Status-6, trước khi Bộ Quốc phòng Nga tổ chức bình chọn tên cho khí tài này và cái tên Poseidon được chọn. "Dự án Poseidon có nhiều thành phần đắt đỏ và xuất hiện từ lâu, khiến nó khó lòng chỉ là một chiến dịch tung tin giả. Tuy nhiên, nhiều thông số chiến đấu của nó vẫn còn gây hoài nghi", chuyên gia Sutton nhận xét.
Duy Sơn