"Ngày đầu tiên Nga phát động chiến dịch quân sự cũng là dịp kỷ niệm 15 năm vợ chồng tôi cưới nhau. Chúng tôi đã lên kế hoạch tổ chức tiệc mừng với bạn bè và đặt bàn tại nhà hàng", Mike, một cư dân thủ đô Kiev của Ukraine, viết về ngày 24/2 trong nhật ký.
"Nhưng sáng sớm, khoảng 5h, tôi, vợ và con trai 10 tuổi thức giấc khi nghe tiếng rocket bay qua nhà. Ý nghĩ đầu tiên là vơ lấy mọi thứ có thể rồi đi sơ tán, nhưng đường nào cũng tắc, trong khi phía Nga pháo kích liên tục. Thật kinh khủng. Vì vậy chúng tôi đến một bãi đỗ xe ngầm và ẩn náu tại đó cả ngày".
Người dân xếp hàng trước siêu thị tại thị trấn Vasylkiv, ngoại ô Kiev hôm 27/2. Ảnh: AFP
Mike cho hay trong ngày đầu tiên có khoảng 60 người cùng trú ẩn trong bãi đỗ xe. Trời lạnh, không có lò sưởi, mọi người đều phải nằm vạ vật trên sàn nhà. Những lúc ngớt pháo kích, anh đánh liều quay lại căn hộ ở tầng 14 chung cư để lấy nhu yếu phẩm.
"Ngày đầu tiên chúng tôi ăn những thứ như bánh quy, khoai tây chiên, bất kỳ thứ gì có thể ăn nhanh", anh viết.
Họ ngủ trong xe. Con trai nằm ghế sau, còn Mike và vợ nửa nằm nửa ngồi ở ghế trước. Mike cao gần hai mét nên tư thế này không dễ chịu lắm.
"Chúng tôi cố nghĩ về ngày kỷ niệm, về 15 năm tuyệt vời bên nhau, về cậu con trai 10 tuổi được Chúa ban phước mà chúng tôi hết mực yêu thương. Nhưng ngày đầu tiên ấy chỉ toàn là nỗi sợ", anh tâm sự.
Ngày 25/2, khi tỉnh dậy, Mike đau lưng chưa từng có. Tiếng pháo kích gần như ngừng hẳn, chỉ còn lác đác vài tiếng nổ, họ nhanh chóng về nhà ăn sáng.
Sau những hỗn loạn ban đầu, mọi người bắt đầu thu xếp thức ăn, nước uống cho những người không có điều kiện. Họ đổ nước đầy chai từ căn hộ, mang theo đồ ăn, tạo không gian riêng tư trong bãi đỗ xe giúp phụ nữ cho con bú.
"Chúng tôi cân nhắc sơ tán đến nơi khác, nhưng giao thông vẫn rất tệ. Chúng tôi nghĩ có lẽ sự điên rồ này sắp chấm dứt. Đêm đó chúng tôi ngủ trên mặt đất", Mike viết.
26/2, ngày chiến sự thứ ba, một số người trong bãi đỗ xe bị ốm vì cảm lạnh. Gia đình Mike quyết định quay về nhà, cố sống bình thường. Họ đi tắm, nấu ăn, dạy con học, cho con chơi cờ vua trực tuyến. Họ dán kín cửa sổ. Thang máy đã ngừng hoạt động.
"Con trai tôi rất dũng cảm. Cháu cố gắng không khóc, cố giúp đỡ bố mẹ. Nhưng mỗi khi tiếng còi báo động vang lên ngoài cửa sổ, chúng tôi phải chạy xuống cầu thang tới hầm trú ẩn, tôi lại thấy cháu sợ hãi dù không hề hoảng loạn", Mike viết.
Tới chủ nhật, ngày 27/2, một số cửa hàng nhỏ trong khu phố đã mở lại.
"Chiến sự thay đổi hoàn cảnh sống, khi một cửa hàng hay trạm xăng mở cửa, cuộc sống có vẻ như bình thường lại, nhưng khi xếp hàng, luôn có nguy cơ mình trúng đạn pháo bất kỳ lúc nào", Mike ngẫm nghĩ.
Bên trong cửa hàng chỉ còn vài thứ sót lại. Nhưng mọi người không vơ vét, họ đều nghĩ cho người phía sau. Mike chia sẻ đồ ăn của gia đình với người khác trong bãi đỗ xe. Số người ở đây đã tăng lên 150. Anh bắt đầu sắp xếp nhiều nhu yếu phẩm hơn cho mọi người, gồm thức ăn, nước uống và giấy vệ sinh.
Họ ngủ ở nhà tối hôm đó, gọi điện cho người thân và bạn bè hỏi han tình hình. Vợ con Mike ngủ trong phòng hai vợ chồng, còn anh ngủ trong phòng con trai vì ở đó dễ nghe tiếng còi báo động hơn. Mike hé cửa sổ cả đêm, ngủ chập chờn, trên người mặc sẵn quần áo, bên cạnh là túi đựng giấy tờ tùy thân và thức ăn. Ai cũng đều kiệt sức.
Ngày 28/2, một số cửa hàng lớn trong thành phố mở lại trong vài tiếng. Mike một mình lái xe ra ngoài mua đồ, vừa đi vừa giữ liên lạc điện thoại với vợ. Cô liên tục kiểm tra vị trí của chồng để đảm bảo anh vẫn an toàn.
Mỗi khi dừng lại ở một trạm kiểm soát để xuất trình giấy tờ, anh lại hỏi binh lính cần gì và mua cho họ thuốc lá, nước uống để cảm ơn. So với Nga, Ukraine là nước nhỏ bé, quân đội cũng ít hơn nhiều, nhưng tinh thần của các binh sĩ đem lại hy vọng cho Mike.
Ngày 1/3, khi Mike đi đổ xăng và quay về nhà, vợ anh gọi điện. "Em nhìn thấy khói bốc lên từ khu tưởng niệm Holocaust", cô nói. Mike choáng váng. Anh là người Do Thái. Bố anh đã 83 tuổi, sống sót sau cuộc diệt chủng do Đức Quốc xã tiến hành, sự kiện giết chết một nửa gia đình Mike. Anh thường xuyên đưa con trai tới khu tưởng niệm vì muốn con hiểu về lịch sử.
Cốp xe gia đình Mike chất đầy đồ đạc trước khi lên đường rời khỏi Kiev hôm 3/3. Ảnh: Guardian
Ngày 2/3, Nga khuyến cáo dân thường nên rời Kiev, nhưng Mike và vợ chưa biết phải đi về đâu. Họ còn băn khoăn bố mẹ vợ đang ở Chernihiv và muốn đưa họ tới Kiev. Ngoài ra, Mike còn muốn giúp đỡ mọi người ở đây.
Nếu tới Tây Âu, nơi gia đình Mike có họ hàng, họ cần chuẩn bị quần áo khác chứ không phải quần áo mùa đông mà họ đã gói ghém trong ngày đầu tiên. Thang máy vẫn hỏng nên để thay đổi quần áo trong hành lý, Mike phải xách 4 vali đi thang bộ.
Cuối cùng, gia đình Mike quyết định rời đi tới Tây Âu hôm 3/3,sau khi nghe tin Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc điện đàm rằng Nga sẽ không từ bỏ mục tiêu ở Ukraine.
"Lý do chính mà chúng tôi quyết định rời đi là đảm bảo an toàn cho vợ con tôi. Tôi không muốn con trai chứng kiến cảnh tượng này nữa, thức giấc và sợ hãi vì tiếng pháo kích, tiếng xe tăng", Mike nói. "Thằng bé rất buồn vì ông bà không thể đi cùng. Chúng tôi cũng không muốn để bố mẹ lại, nhưng vẫn cần ưu tiên chăm sóc con trai".
- Dân Ukraine hiến máu, gửi hàng cứu trợ trong chiến sự
- Những em bé trong hầm trú bom Ukraine
- Người Kiev ăn ngủ dưới ga tàu điện ngầm sâu 100 m
- Những thành phố Nga oanh kích ở Ukraine
- Chạy pháo kích ở Kharkov
Hồng Hạnh (Theo Guardian)