Chuyên mục  


img4477-17147849902311006064929-17147888481771896002914.jpg

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024 - Ảnh: VGP

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chính sách tiền tệ tiếp tục được điều hành chủ động, linh hoạt với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác.

Tuy nhiên, đến 23-4, huy động vốn giảm 0,52% so với cuối năm 2023. Trong đó huy động tiền đồng giảm 0,08% và USD hạ 6,26%. Đây là chỉ số cho thấy người dân, doanh nghiệp đang bỏ bớt tiền vào ngân hàng hơn, và quay sang các kênh đầu tư khác hiệu suất sinh lời tốt hơn là gửi tiết kiệm.

Nhiều biện pháp can thiệp biến động tỉ giá, giá vàng

Sau nhiều tháng âm, tín dụng tháng 4 tiếp tục dương so với cuối năm ngoái, với mức tăng 1,6%. Trong đó, tăng trưởng tín dụng VND tăng 1,53%, còn USD tăng 3,37%.

Trong tháng 4, để ổn định tỉ giá, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát hành tín phiếu để hỗ trợ tỉ giá. Từ ngày 19-4, USD được bán ra cho các ngân hàng thương mại có trạng thái ngoại tệ âm để can thiệp thị trường. Đây là biện pháp can thiệp nhằm giải tỏa tâm lý trên thị trường, khơi thông nguồn cung và đảm bảo thanh khoản ngoại tệ thông suốt.

So với năm ngoái, hiện tỉ giá liên ngân hàng đã tăng khoảng 4,86%. Còn tỉ giá niêm yết tại các ngân hàng tăng 4,37-4,56% so với cuối năm 2023.

Lý giải nguyên nhân tỉ giá tăng, nhà điều hành cho rằng do thị trường kỳ vọng Fed trì hoãn hạ lãi suất điều hành, đồng USD thế giới tăng và duy trì ở mức cao. 

Cùng đó, chênh lệch lãi suất giữa VND và USD trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục duy trì âm (lãi suất VND thấp hơn USD). Nhu cầu ngoại tệ đầu năm tương đối lớn phục vụ nhập khẩu nguyên vật liệu.

Về lãi suất, các mức lãi điều hành được giữ nguyên, tạo điều kiện các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế và giảm mặt bằng lãi suất vay nhờ tiết giảm chi phí. 

Các tổ chức tín dụng đã công khai lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân cũng như thông tin về lãi suất cho vay trên website của ngân hàng, bổ sung thông tin tham khảo cho khách hàng khi tiếp cận vốn vay.

Đề cập tới thị trường vàng, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay chỉ số giá vàng tháng 4 trong nước tăng 6,95% so với tháng trước và tăng trên 17% so với tháng 12-2023, tăng 28,62% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân bốn tháng đầu năm, giá vàng trong nước tăng 20,75%

img4475-17147849897812137605432-17147893711611696455098.jpg

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp - Ảnh: VGP

Kinh tế có nhiều sức ép, doanh nghiệp khó khăn

Đánh giá về tình hình các tháng cuối năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng nền kinh tế còn nhiều thách thức về tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô.

Cùng đó, tỉ giá dự báo tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh do sức ép từ thị trường tài chính, tiền tệ thế giới, làm tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu, lãi vay nước ngoài của doanh nghiệp, tác động đến lạm phát trong nước.

Sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, thách thức. Sản xuất công nghiệp phục hồi còn chậm, cầu tiêu dùng trong nước 4 tháng vẫn tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và giai đoạn 2015-2019. 

Thị trường tài chính, tiền tệ, hệ thống ngân hàng còn tiềm ẩn rủi ro. Quản lý thị trường vàng còn bất cập. Hệ thống giao dịch chứng khoán mới (KRX) liên tục lùi thời hạn triển khai. Vấn đề an toàn, an ninh mạng...

Chưa kể tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm chưa được xử lý dứt điểm, kỷ luật, kỷ cương có lúc có nơi còn chưa nghiêm; việc nắm bắt diễn biến tình hình, phản ứng chính sách chưa thực sự kịp thời, linh hoạt, hiệu quả...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần tập trung vào các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; khai thác tối đa các động lực tăng trưởng mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh... 

Đồng thời đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công; các dự án trọng điểm quốc gia, nhất là các dự án giao thông, năng lượng. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chinh - ngân sách; triển khai các giải pháp thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, tránh tăng giá đột ngột, cùng thời điểm các mặt hàng thiết yếu...

Không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn

Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá sát tình hình thời gian qua, chỉ rõ những kết quả, thành tựu đạt được, các tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân chủ quan, khách quan, rút ra các bài học kinh nghiệm.

Từ đó nhận định tình hình thời gian tới, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp vừa mang tính chất căn cơ, lâu dài, vừa có giải pháp tình thế, trước mắt, tinh thần là có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.

Thủ tướng gợi mở một số bài học kinh nghiệm, như phải luôn bám sát tình hình để phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; đề cao trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu; tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu triển khai công việc, ngay từ sớm, từ xa, từ cơ sở, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Về nhiệm vụ, giải pháp trong tháng 5, Thủ tướng nhấn mạnh các nhiệm vụ quan trọng, gồm việc chuẩn bị hội nghị Trung ương và kỳ họp Quốc hội, các công việc đột xuất, như ứng phó với tình hình hạn hán, thiên tai…

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020