Chuyên mục  


"Đây là hậu quả của việc họ đưa quân tiến vào đất nước chúng tôi", Hanna Fedorkovska nói trong cuộc phỏng vấn đăng ngày 15/8, khi đang ở một trung tâm sơ tán tại Sumy, thành phố Ukraine gần biên giới Nga và là thủ phủ của tỉnh cùng tên.

Fedorkovska đề cập chiến dịch tấn công được quân đội Ukraine phát động hôm 6/8 vào tỉnh Kursk của Nga, khu vực giáp tỉnh Sumy. Đây là cuộc xâm nhập lớn nhất của Kiev vào lãnh thổ đối phương kể từ khi xung đột giữa hai nước bùng phát cuối tháng 2/2022.

"Chúng tôi tiến vào lãnh thổ của họ không phải vì chúng tôi muốn thế, mà do họ đã đến nhà của chúng tôi và cướp đi cuộc sống bình yên của mọi người. Và giờ họ phải đối mặt với điều đó", Fedorkovska nói, đồng thời bày tỏ hy vọng chiến dịch của Kiev sẽ không "vô ích" và có thể mang lại hòa bình cho Ukraine.

Fedorkovska và bà của mình tại trung tâm sơ tán ở Sumy. Ảnh: CNN

Ông Zelensky hôm 14/8 thông báo lực lượng nước này tiếp tục tiến sâu hơn vào tỉnh Kursk sau khi kiểm soát được 1.000 km2 lãnh thổ đối phương. Kiev cho biết binh sĩ của họ đang mở rộng "vùng đệm" bên trong Nga, nhằm bảo vệ tốt hơn các cộng đồng giáp biên giới ở miền bắc Ukraine, nơi thường xuyên hứng đạn pháo Nga rót sang từ tỉnh Kursk.

Fedorkovska, sinh viên 21 tuổi, tới trung tâm sơ tán ở thành phố Sumy cùng với người bà 72 tuổi. Bà đến giờ vẫn chưa hết buồn khi phải rời xa chồng và ngôi nhà mà họ đã chung sống với nhau 52 năm.

Hai bà cháu nằm trong số hàng trăm người dân Ukraine được sơ tán khỏi các khu vực biên giới những ngày gần đây. Fedorkovska cho biết người ông 85 tuổi của cô kiên quyết ở lại, nói rằng: "Cháu hãy cứu bà đi, còn ông sẽ bảo vệ tài sản của chúng ta".

Cuộc tấn công bất ngờ nhằm vào tỉnh Kursk đã mang đến động lực hết sức cần thiết cho quân đội Ukraine, song cũng khiến nhiều người dân nước này, bao gồm Fedorkovska và bà mình, cảm thấy lo lắng về điều sẽ xảy ra một khi Nga tập hợp đủ lực lượng để phản công.

"Tôi chúc những người lính gặp nhiều may mắn, vì nếu họ không giữ được phần lãnh thổ Nga vừa chiếm, sẽ có nhiều bất trắc xảy ra với vùng Sumy. Nó có thể trở thành Mariupol thứ hai", Sergey Zemlyakov, cựu chiến binh Ukraine từng chiến đấu ở vùng Donbass năm 2014-2015, nói tại trung tâm sơ tán.

Mariupol, thành phố ở tỉnh miền đông Donetsk, thất thủ giữa năm 2022 sau nhiều tháng bị Nga bao vây và bắn phá. Giao tranh tại đây đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng, phần lớn hạ tầng của thành phố bị phá hủy.

Nila Buhaiova, nhân viên tại Sở Bảo trợ Xã hội vùng Sumy, cho biết hàng trăm người đã đến trung tâm sơ tán tại thủ phủ của tỉnh những ngày gần đây.

Vị trí tỉnh Kursk. Đồ họa: CNN

"Hoạt động sơ tán được tăng cường trong tuần qua. Khi Sumy bắt đầu bị tập kích, người dân không thể tiếp tục ở lại và đã rời đi. Thứ sáu là 270 người, thứ bảy là 382 và chủ nhật là 250", Buhaiova nói.

Con số này thấp hơn nhiều so với cuộc di tản ở Nga. Giới chức tỉnh Kursk cho biết khoảng 180.000 người dân vùng này đã được lệnh sơ tán, trong khi hàng nghìn người ở các tỉnh lân cận cũng đã phải rời bỏ nhà cửa.

Nhưng với nhiều người Ukraine, thật khó để thấy thương cảm cho những người hàng xóm ở bên kia biên giới.

Ông bà của Fedorkovska đã kiên quyết bám trụ tại nhà của mình ở Myropillya sau khi xung đột bùng phát đầu năm 2022, bất chấp việc ngôi làng thường xuyên bị quân đội Nga pháo kích.

Dù vậy, bà của Fedorkovska cuối cùng đã quyết định rời đi, do ngôi làng đã trở nên quá nguy hiểm để sinh sống kể từ khi quân đội Ukraine bất ngờ mở cuộc tấn công xuyên biên giới.

"Sau khi chiến dịch tại tỉnh Kursk bắt đầu, các cuộc tập kích bằng đạn pháo và đạn cối đã ngừng lại vì lính Ukraine đã đẩy đối phương lùi xa khỏi biên giới. Tuy nhiên, các cuộc tấn công bằng bom lượn và máy bay lại tăng lên. Giờ họ không thể nhắm vào chúng tôi bằng pháo binh nên đã chuyển sang không quân", Fedorkovska cho hay.

"Chúng tôi muốn mọi người hiểu cuộc sống dưới đạn pháo không ngừng là như thế nào, hiểu cảm giác phải từ bỏ nơi mình đã sống cả cuộc đời, giành toàn bộ trái tim và tâm hồn, nuôi dạy con cái và đi học... vì nơi đó liên tục bị tập kích", cô nói thêm.

Olena Lozko là kế toán viên đến từ làng Velyka Rybytsia, cách biên giới Nga khoảng 4 km. Cách đây mấy hôm, Lozko cũng phải rời đi do lực lượng Nga tấn công ngày càng dữ đội.

"Chúng tôi rất vui mừng khi thấy binh sĩ Ukraine mở cuộc tấn công, nhưng mọi người cũng rất sợ hãi. Chúng tôi không có nơi nào để đi và rất sợ những quả bom lượn", người phụ nữ này cho hay. "Tình hình đang trở nên tồi tệ hơn".

FAB-1500 là mẫu bom lượn thường được quân đội Nga sử dụng để tập kích lãnh thổ Ukraine. Loại bom này nặng 1,5 tấn, gần một nửa trọng lượng là thuốc nổ mạnh. Nó được chiến đấu cơ Nga thả từ khoảng cách 60-70 km, nằm ngoài tầm đánh chặn hiệu quả của nhiều hệ thống phòng không trong biên chế Ukraine.

Cảnh đổ nát tại làng Loknya ở tỉnh Sumy do trúng tập kích của Nga hôm 13/8. Ảnh: AFP

Với những người Ukraine ở xa tiền tuyến hơn, họ hy vọng việc khiến người Nga phải chịu những gì Ukraine nếm trải bấy lâu nay sẽ giúp kết thúc cuộc xung đột.

"Đây là tín hiệu với Nga rằng bất cứ hành động nào cũng sẽ có hậu quả. Họ tấn công thì chúng tôi cũng tấn công", Borys Lomako, chủ quán cafe tại Kharkov, thành phố lớn thứ hai ở Ukraine và cũng nằm gần biên giới với Nga, nói.

Lomako tin rằng cuộc tấn công sẽ giúp cuộc sống tại Kharkov, đô thị đã bị Nga pháo kích liên tục trong nhiều tháng qua, trở nên dễ thở hơn một chút.

"Tôi cảm thấy tích cực hơn nhiều khi biết chúng tôi đang chiến đấu vì biên giới, không chỉ đẩy lùi đối phương mà còn hơn thế nữa. Họ tiến vào lãnh thổ Ukraine thì chúng tôi sẽ tiến vào lãnh thổ của họ. Về mặt tâm lý, đây là sự thay đổi về vị thế trong cuộc chiến", Lomako nhận định.

Andrii Legin, cư dân 40 tuổi sống tại thủ đô Kiev, thì cảm thấy lo ngại về phản ứng của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

"Nga có thể phản ứng theo bất kỳ cách nào, bắt đầu bằng đòn đáp trả quân sự dữ dội. Cũng có thể sẽ có thay đổi nào đó trong lòng người dân Nga vì chiến sự nay đã lan đến đất nước của họ. Chúng ta hãy cùng chờ xem", ông cho hay.

Dù vậy, có một điều mà Legin cảm thấy chắc chắn.

"Tôi không nghĩ việc người Ukraine vui mừng vì cuộc tấn công này sẽ mang lại lợi ích gì", ông nhận định. "Tuy nhiên, nếu đây là cách duy nhất để thúc đẩy hòa bình, có lẽ nó sẽ có tác dụng".

Phạm Giang (Theo CNN)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020