Chuyên mục  


Khoảng 4h15 ngày 6/2, Eyad Kourdi, phóng viên CNN, đang ngủ trong nhà bố mẹ tại Gaziantep, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ. Khu dân cư vẫn chìm trong bóng tối khi anh cảm nhận được rung chấn đầu tiên của trận động đất 7,4 độ.

"Lúc đầu tôi không quá lo. Tôi tưởng đó chỉ là một trận động đất nhẹ, loại mà chúng tôi vài tháng lại cảm nhận một lần. Nhưng rồi rung lắc càng lúc càng mạnh", anh kể.

Một người đàn ông đau đớn nhìn cảnh tượng tan hoang sau động đất ở Gaziantep, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 6/2. Ảnh: AFP

Vài giây sau, mặt đất rung chuyển mạnh tới mức đồ đạc trong nhà rơi loảng xoảng. Bố mẹ anh tỉnh giấc, la hét vì sợ hãi. "Bố mẹ hãy đứng dưới khung cửa", Kourdi hét lên, yêu cầu họ giữ bình tĩnh.

Rung chấn mạnh đến mức anh cảm giác như có người nào đó đang cố đẩy mình xuống đất. Kourdi ngã xuống sàn nhà, trong khi mọi thứ tiếp tục rung lắc.

Vài phút sau, khi chấn động ngừng lại, Kourdi cùng bố mẹ mặc nguyên đồ ngủ, đi dép lê, chạy khỏi nhà. Trời lạnh cóng và đổ mưa, trên mặt đất có tuyết. Cả khu phố đổ ra đường. 20 phút sau, khi họ nghĩ mọi chuyện đã qua, đợt dư chấn đầu tiên xuất hiện. Anh đếm được 11 đợt dư chấn liên tiếp, như thể chúng "kéo dài bất tận".

Kourdi chạy vội vào nhà lấy áo khoác, ủng, rồi đưa bố mẹ lên ôtô di chuyển tới khu vực trống trải cách xa các công trình. Anh nghe thấy tiếng xe cấp cứu và cứu hỏa tiến vào khu phố cổ, nơi có nhiều công trình kiến trúc cũ.

Các đợt dư chấn tiếp tục xuất hiện trong ngày, một số mạnh tới mức khó tin. Một dư chấn xảy ra khi anh đang đứng cạnh tòa nhà lớn sắp sập.

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm cứu nạn ở Gaziantep, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 6/2. Ảnh: AFP

Kourdi sau đó lái xe tới Pazacik, thị trấn 35.000 dân gần tâm chấn hơn, cách đó khoảng 33 km. Cảnh tượng ở đây giống như ngày tận thế, dọc mỗi con phố đều có ít nhất một tòa nhà lớn bị phá hủy hoàn toàn.

Một người đàn ông Syria sống ở đó cho hay căn nhà ngay bên cạnh anh ta đổ sập. Một phụ nữ vẫn mặc kẹt bên trong và đội cứu hộ đang đào bới đống đổ nát để tìm cô ấy.

Kourdi ở Pazacik khoảng 30 phút và trong quãng thời gian ngắn ngủi ấy, anh cảm nhận được 4 trận dư chấn. Do cảm thấy không an toàn, Kourdi quyết định lái xe quay lại Gaziantep. Lúc ấy mặt đất bắt đầu rung chuyển trở lại. Mọi người chạy khỏi xe.

"Rung lắc mạnh tới nỗi tôi vất vả lắm mới đứng vững. Nước ở con mương ven đường nổi sóng như sắp bão", Kourdi nói.

Những người đang rời khỏi Gaziantep mắc kẹt giữa đoàn xe vài km. Trong thành phố, những người sống sót trú bên trong một nhà thờ Hồi giáo, nơi an toàn hơn trong nhà. Chính quyền phân phát nước, bánh mì và cơm nóng.

"Tôi biết ở ngoài trời an toàn hơn nếu có thêm dư chấn, nhưng thời tiết đang rất lạnh, bố mẹ tôi không thể ở bên ngoài", anh nói.

Trẻ em trong một trung tâm triển lãm được dùng làm nơi trú ẩn cho nạn nhân động đất ở huyện Arsuz, tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 6/2. Ảnh: AFP

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ và nước láng giềng Syria đã ghi nhận ít nhất 4.900 người thiệt mạng trong trận động đất. Thương vong có thể tiếp tục tăng cao, do nhiều người còn mắc kẹt dưới đống đổ nát.

Thời tiết khắc nghiệt tại khu vực bị ảnh hưởng đã cản trở các nỗ lực cứu hộ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tối 6/2 thông báo quốc tang 7 ngày để tưởng niệm các nạn nhân.

Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia thường xuyên hứng chịu động đất trên thế giới. Năm 1999, một trận động đất mạnh 7,6 độ xảy ra ở thành phố Izmit, đông nam Istanbul làm hơn 17.000 người thiệt mạng. Năm 2011, một trận động đất xảy ra ở thành phố miền đông Van làm hơn 500 người chết.

Hồng Hạnh (Theo CNN)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020