"Không có gì đoàn kết người dân Panama hơn là sứ mệnh bảo vệ kênh đào", Sabrina Bacal, nhà báo nổi tiếng, nhà khoa học chính trị hàng đầu Panama, cho biết ngày 31/12, khi nước này chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm tiếp nhận quyền quản lý kênh đào Panama từ Mỹ.
Trong lễ kỷ niệm do Tổng thống Jose Raul Mulino và người quản lý kênh đào Ricaurte Vasquez chủ trì, Panama sẽ tổ chức diễu hành vinh danh 20 người thiệt mạng trong sự kiện sinh viên giương cờ phản đối Mỹ tại Khu vực Kênh đào năm 1964. Khu vực Kênh đào là dải đất dọc bờ con kênh mà Mỹ được sở hữu vĩnh viễn và độc quyền theo hiệp ước Hay-Bunau-Varilla ký với Panama năm 1903.
Mỹ sau đó xây dựng căn cứ quân sự, triển khai cảnh sát và hệ thống tư pháp riêng tại khu vực này để đồng quản lý kênh đào với Panama. Tuy nhiên, ngày 7/9/1977, tổng thống Mỹ khi đó là Jimmy Carter đã ký các hiệp ước hữu nghị với lãnh đạo Panama Omar Torrijos, dẫn tới sự kiện Mỹ trao lại quyền kiểm soát kênh đào cho Panama từ ngày 31/12/1999.
Tàu thuyền đi qua kênh đào Panama ở thành phố Colon City ngày 28/12. Ảnh: AFP
Sau khi nhận bàn giao, chính quyền Panama đã quản lý kênh đào hiệu quả hơn, biến nó thành nguồn thu quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, điều này bị đe dọa khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gần đây đe dọa sẽ đòi lại quyền quản lý kênh đào nếu Panama không thể đảm bảo tuyến đường thủy này hoạt động "an toàn, hiệu quả, đáng tin cậy".
Ông Trump chỉ trích khoản thu "vô lý" mà Panama áp dụng với tàu thuyền Mỹ đi qua kênh đào, thậm chí cáo buộc quân đội Trung Quốc đang vận hành kênh đào trái phép, dù không đưa ra bất cứ bằng chứng nào.
Tuyên bố của ông Trump khiến nhiều người dân Panama giận dữ. Francisco Cedeno, 51 tuổi, cho rằng Tổng thống đắc cử Mỹ đã đưa ra những lời đe dọa "vô nghĩa". "Ông ấy nên giải quyết các vấn đề trong nước của mình trước đã và quên kênh đào đi", Cedeno nói.
Tuy bày tỏ nỗi bất bình với ông Trump, nữ nhà báo Bacal cũng thừa nhận việc làm nóng vấn đề và gây ra căng thẳng với một siêu cường, đối tác thương mại chính sử dụng kênh đào nhiều nhất là "tình huống cực kỳ bất lợi" đối với Panama.
Khoảng 5% lưu lượng hàng hải toàn cầu đi qua kênh đào Panama mỗi năm. Mỹ là quốc gia sử dụng tuyến đường thủy này nhiều nhất, chiếm 74% lưu lượng hàng hóa qua đây, còn Trung Quốc chiếm 21%. Từ năm 2000 tới nay, kênh đào đã đem về 28 tỷ USD cho Panama, tạo ra 6% sản lượng kinh tế quốc gia và 20% doanh thu tài chính.
Dù vậy, nhiều người dân Panama khẳng định họ sẽ không bao giờ chịu khuất phục trước áp lực từ Mỹ. Tổng thống Mulino khẳng định sẽ không đàm phán với ông Trump về quyền kiểm soát kênh đào, đồng thời bác bỏ cáo buộc của Tổng thống đắc cử Mỹ về ảnh hưởng của Trung Quốc với tuyến huyết mạch hàng hải này.
Cựu tổng thống Panama Martin Torrijos, con trai ông Omar Torrijos, tuyên bố hiệp ước mà cha mình ký năm 1977 đã "chấm dứt kỷ nguyên nô dịch và mở ra thời kỳ độc lập" cho Panama.
"Bất kỳ hành động nào nhằm lật đổ hoặc vi phạm chủ quyền của chúng tôi sẽ bị toàn bộ người dân Panama lên án và phản đối", ông nhấn mạnh.
Hồng Hạnh (Theo AFP, Reuters)