Chuyên mục  


qd-chungkhoan-ssi-73-1-17356329065811432031029.jpg

Thị trường chứng khoán khép lại năm 2024 với một phiên giảm điểm - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2024, VN-Index biến động biên độ hẹp khi lực mua mất hút, bán chủ động chiếm ưu thế hơn.

Chỉ số đại diện sàn HoSE - sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất Việt Nam - khép lại năm nay khi mất hơn 5 điểm, lùi về vùng 1.266,78 điểm cùng với thanh khoản thấp.

Thanh khoản sàn TP.HCM đạt hơn 11.500 tỉ đồng. Còn tổng giá trị giao dịch cả ba sàn đạt gần 12.700 tỉ đồng, phần nào thể hiện sự phân tán của nhà đầu tư trong phiên giao dịch "tất niên".

Các nhóm ngành có sự phân hóa, hầu như biên độ hẹp và khối lượng giao dịch thấp. Thanh khoản gia tăng chủ yếu nằm ở nhóm công nghệ thông tin, thực phẩm, thủy sản, dầu khí…

Trong khi nhóm cổ phiếu lớn như ngân hàng, chứng khoán, thép, bất động sản đều ghi nhận tiền vào giảm nhẹ.

Với gần 380 cổ phiếu "trùm" sắc đỏ, 346 cổ phiếu còn duy trì sắc xanh, thị trường phần nào thể hiện sự kém tích cực trong bối cảnh tỉ giá vẫn tăng cao gây lo ngại cho giới đầu tư. 

Thị trường tài chính thế giới đêm qua biến động mạnh khi DowJones giảm 418,48 điểm về 42.573,73 điểm.

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, khối ngoại trở lại bán ròng gần 300 tỉ đồng, sau khi mua ròng liên tiếp hai phiên trước khiến thị trường thêm phần áp lực.

Nhóm cổ phiếu bị khối ngoại rút tiền mạnh nhất là STB của Sacombank (-106 tỉ đồng), HDB của HDBank (-47 tỉ đồng), FPT (-40 tỉ đồng), HPG của Hòa Phát (-30 tỉ đồng), VCB của Vietcombank (-30 tỉ đồng), VND của VNDirect (-25 tỉ đồng)…

Không chỉ khối ngoại, tự doanh các công ty chứng khoán cũng bán ròng hơn 100 tỉ đồng sau khi mua ròng mạnh 5 phiên liên tiếp. Nhóm này bán ròng mạnh VPB của VPBank, HAX của Ô tô Hàng Xanh, ACB, TCB của Techcombank, STB của Sacombank.

Đáng chú ý trong ngày giao dịch cuối cùng của năm 2024, mã YEG của Tập đoàn Yeah1 giảm giá kịch biên độ (-7%) với tổng khối lượng khớp lệnh và thỏa thuận hơn 3,4 triệu đơn vị. Mục dư bán cũng đang "kê" giá sàn hơn 2 triệu đơn vị, cho thấy lực bán của cổ phiếu này rất lớn.

Diễn biến của YEG khá đột ngột, bởi trước đó Tập đoàn Yeah1 còn phải giải trình khi cổ phiếu tăng trần liên tiếp. Tại công văn giải trình gửi HoSE, Yeah1 khẳng định không có bất kỳ tác động nào gây ảnh hưởng đến giá giao dịch mã YEG.

Chịu áp lực bán mạnh, hiện cổ phiếu YEG sụt về mốc 18.600 đồng/đơn vị. Diễn biến này sẽ khiến nhiều nhà đầu tư "ôm" cổ phiếu vùng đỉnh lo ngại. Bởi cổ phiếu này khi trải qua 7 phiên tăng kịch trần liên tiếp, đã đưa thị giá tăng gấp đôi sau một tháng.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020