Người dân liên tục dính tiền giả
Thời gian gần đây, trên địa bàn xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức và xã Đức Hòa Hạ huyện Đức Hòa tỉnh Long An, nhiều người dân đã phát hiện tiền giả.
Ngày 19/11, chị Võ Thị Thu Bé tại xã Đức Hòa Hạ cho biết, sau khi kiểm tiền chị đã phát hiện 2 tờ mệnh giá 500.000 đồng là tiền giả.
Chị Bé làm dịch vụ về tài chính nên lượng tiền giao dịch mỗi ngày khá lớn. Mặc dù nhà chị có máy và thiết bị soi tiền giả nhưng những ngày đông khách chị không kiểm soát hết được nên vẫn bị dính tiền giả.
"Từ ngày 10 đến 13 hàng tháng, lượng tiền giao dịch nhiều nên tôi không kiểm soát được. Nhưng sau đó tôi soạn lại tiền thì phát hiện 2 tờ 500.000 đồng có số seri LE 15945856 và PC 21771955 là giả. Cùng ngày hôm đó có một người đến giao dịch và đưa 2 tờ tiền giả mệnh giá 500.000 đồng nữa nhưng may tôi phát hiện ra" - chị Bé kể.
Công an tỉnh Đồng Tháp đã bắt đối tượng Lê Văn Hùng, sinh năm 1985, ngụ xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An có liên quan đến vụ án lưu hành tiền giả trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp (Ảnh: NVH).
Theo chị Bé, dạo gần đây, quanh khu công nghiệp Tân Đức, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An xuất hiện tiền giả khá nhiều. Chị kể, gần nhà chị có người bán cơm bình dân và một người bán bún cá cũng bị khách đưa tờ 500.000 đồng giả. Vì chủ quán không có tiền lẻ trả lại nên sang quán chị đổi mới phát hiện ra là tiền giả.
Anh Nam, kinh doanh cho thuê nhà trọ cùng xã Đức Hòa Hạ, cách đây ít ngày, cũng nhận được một tờ 500.000 đồng có số seri PS 11990135 khi đi thu tiền trọ. Nhìn tờ tiền, anh Nam biết là giả nhưng vẫn cầm vì anh biết người thuê trọ cũng là nạn nhân. Về đến nhà anh liền chụp hình tờ tiền lại rồi tính tiêu hủy nó.
Chị An tại xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức tỉnh Long An làm đại lý vé số cũng đã phát hiện 3 tờ tiền mệnh giá 100.000 đồng là tiền giả. Chị An cho biết, 3 tờ tiền này của hai người mua vé số sỉ quen ở cửa hàng vé số của mình.
Ngày 13/11, Phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh Đồng Tháp đã bắt đối tượng Lê Văn Hùng, sinh năm 1985, ngụ xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An có liên quan đến vụ án lưu hành tiền giả trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Trước đó, vào ngày 24/10, Hùng cùng đối tượng Nguyễn Văn Thuận, sinh năm 1984, ngụ cùng địa phương sử dụng tiền polymer giả để tiêu thụ tại nhiều cửa hàng tạp hóa trên địa bàn thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.
Thuận đã bị Công an huyện Tháp Mười phát hiện bắt giữ, còn Hùng đã nhanh chóng tẩu thoát và bị bắt giữ khi đang lẩn trốn tại Bình Phước. Hiện cơ quan an ninh điều tra đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc.
Ngang nhiên rao bán tiền giả trên mạng
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội cũng xuất hiện các thông tin quảng cáo, rao bán tiền giả với nhiều mệnh giá khác nhau và hình thức rao bán công khai đa dạng. Chỉ cần ai đó gõ chữ "trao đổi tiền giả" lên công cụ tìm kiếm của facebook đã có vô số trang công khai quảng cáo về tiền giả với đủ mệnh giá.
Một người có tài khoản facebook khẳng định, tiền của họ giống tiền thật đến 99%, chất liệu polymer nhìn bằng mắt thường không thể nhận ra tiền giả, chỉ cần không mang vào ngân hàng hay tiệm vàng giao dịch là yên tâm.
Lượng tiền giả bị cơ quan chức năng thu giữ trong một vụ án.
Người này cho biết, tỷ lệ đổi là 1 ăn 15, nghĩa là 1 triệu đồng tiền thật đổi được 15 triệu đồng tiền giả, đặt cọc trước 50%, khi nhận được tiền thì đưa nốt phần còn lại, giao hàng tận nơi.
Một người khác thậm chí còn gửi cả video quay chất lượng tiền giả kèm hình ảnh các đồng tiền mệnh giá 500.000, 200.000, 100.000 và 50.000 đồng khi được hỏi. Ngoài phải đặt cọc 50% như trên, người này còn cho biết tỷ lệ đổi hàng Campuchia giống đến 98% là 1 triệu đồng tiền thật đổi 8 triệu đồng tiền giả. Còn hàng Trung Quốc là 1 triệu đồng đổi được 10 triệu đồng tiền giả.
Website kiemtiennhanh.com còn đăng cảnh báo những nơi bắt cọc "hoàn toàn là lừa đảo". Web này khẳng định shop bán tiền giả không bắt cọc, có nhân viên giao hàng tận tay, khách được kiểm tra hàng trước khi lấy.
Một nick facebook có tên "mua bán tiền giả không cọc" quảng cáo shop bán tiền giả polymer như thật giống 99% với tỷ lệ 2 đổi 25 hoặc 5 đổi 67. Tiền sẽ được giao trực tiếp, khách kiểm tra rồi mới phải trả tiền.
Rao bán hay tiêu thụ tiền giả đều phạm pháp
Theo Bộ Công an, hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành, mua bán tiền giả dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều là hành vi vi phạm pháp luật. Pháp luật hiện hành đã quy định đầy đủ và có chế tài nghiêm khắc về hành vi mua bán tiền giả.
Điều 23 Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 quy định: Làm tiền giả, vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả là một trong các hành vi bị cấm. Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả tại Điều 207 như sau:
Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có giá trị tương ứng từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có giá trị tương ứng từ 50 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 8 và Điểm d, e Khoản 1 Điều 18 của Luật An ninh mạng (có hiệu lực từ ngày 1/1/2019) thì hành vi rao bán tiền giả trên mạng internet là một trong các hành vi bị nghiêm cấm. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.