Chuyên mục  


Ngoại trưởng Mỹ sắp mãn nhiệm Anthony Blinken ngày 18/12 cho biết Iran có thể sẽ cân nhắc nghiêm túc hơn về việc chế tạo vũ khí hạt nhân sau các bước lùi quân sự gần đây tại Trung Đông, "Họ đã mất các phòng tuyến nên sẽ phải cân nhắc về điều đó", ông Blinken nói.

Trong năm qua, Israel đã tập kích phá hủy nhiều hệ thống phòng không của Iran, đồng thời mở chiến dịch trên bộ và trên không khiến nhóm vũ trang Hezbollah, đồng minh của Tehran ở Lebanon, suy yếu rất nhiều. Chính quyền tổng thống Syria Bashar al-Assad, đồng minh Arab chính của Iran tại Syria, mới đây cũng bị lực lượng đối lập lật đổ.

Dù vậy, ông Blinken nói kịch bản Iran sở hữu vũ khí hạt nhân "không phải là không thể tránh khỏi", thêm rằng Tehran nhận thức rõ hậu quả của việc chế tạo bom nguyên tử. "Tôi nghĩ vẫn có triển vọng đàm phán", Ngoại trưởng Mỹ nhận định.

Ông Blinken nhắc đến việc Tổng thống đắc cử Donald Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 với Iran và áp đặt lại các biện pháp trừng phạt với quốc gia này.

"Khi rút khỏi thỏa thuận, ông Trump nói muốn có một giao kèo tốt và mạnh hơn. Điều đó tốt thôi", quan chức này cho hay.

Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken phát biểu tại sự kiện ở New York hôm 18/12. Ảnh: AFP

Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh không chính quyền nào của Mỹ sẽ cho phép Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.

"Bằng cách này hay cách khác, tôi tin chính quyền tiếp theo sẽ tiếp tục chính sách của chính quyền chúng tôi", ông nói, đề cập việc ngăn Iran chế tạo bom hạt nhân.

Tehran chưa bình luận về thông tin. Iran nhiều lần bác cáo buộc nước này có tham vọng phát triển vũ khí nguyên tử, cho rằng chương trình hạt nhân mình có mục đích hòa bình.

Tuyên bố được ông Blinken đưa ra sau khi hãng thông tấn AFP ngày 6/12 dẫn báo cáo mật của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết Iran có kế hoạch sản xuất hơn 34 kg uranium làm giàu ở mức 60% mỗi tháng, gấp hơn 7 lần hiện nay. 90% là mức tối thiểu để chế tạo vũ khí nguyên tử.

Iran cuối tháng trước thông báo sẽ lắp đặt khoảng 6.000 máy ly tâm mới để làm giàu uranium, nhằm đáp trả việc hội đồng 35 quốc gia thuộc IAEA lên án Tehran thiếu hợp tác về vấn đề hạt nhân.

Sau khi nhậm chức vào năm 2021, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiến hành các cuộc đối thoại gián tiếp với Iran nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Nỗ lực đàm phán đã sụp đổ, chủ yếu do tranh cãi về phạm vi nới lỏng các lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran, cũng như vì chính quyền ông Biden ủng hộ gây sức ép với Tehran liên quan việc Iran hỗ trợ nhóm vũ trang Hamas trong xung đột ở Dải Gaza.

Phạm Giang (Theo AFP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020