Chuyên mục  


Các tàu hải cảnh của Trung Quốc. Ảnh: Manila Journo.

"Hoạt động khảo sát của tàu Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam và việc Trung Quốc triển khai các tàu tuần duyên chỉ là bằng chứng mới nhất về việc Trung Quốc sẵn sàng cưỡng chế để khẳng định các yêu sách bất hợp pháp ở Biển Đông", thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Jim Risch hôm 1/8 nhận định, theo thông cáo đăng trên trang web Thượng viện Mỹ.

Theo ông, việc xác định các phương án cụ thể để đẩy lùi hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông nên là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Mỹ tại hội nghị ASEAN ở Bangkok tuần này và điều quan trọng là các đối tác của Mỹ trong khu vực, đặc biệt là các nước ASEAN, sát cánh và đứng vững trước sự cưỡng chế của Trung Quốc.

"Nếu không lên án mạnh mẽ hơn, Trung Quốc sẽ tiếp tục hành động mà không bị trừng phạt ở Biển Đông, gây thiệt hại cho lợi ích chung của chúng ta trong việc thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thật sự tự do, rộng mở và duy trì thượng tôn pháp luật", ông Risch nói.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Menendez cho rằng điều quan trọng là Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về những hành vi ở Biển Đông. "Chúng ta cần một chiến lược phản ánh lợi ích sâu sắc và lâu dài của Mỹ khi hợp tác với các đồng minh và đối tác để giúp xây dựng Biển Đông thành nơi luật pháp quốc tế được tôn trọng, tự do hàng hải được đảm bảo, các dòng chảy thương mại tự do, các tổ chức đa phương trong khu vực là trung tâm và các nước trong khu vực không bị áp bức", Menendez cho hay.

Theo thượng nghị sĩ Cory Gardner, việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông và "hành động thù địch" với các nước cũng có tuyên bố chủ quyền tại vùng biển này là "bất hợp pháp", gây bất ổn và trái với luật pháp quốc tế.

"Tôi mong rằng Ngoại trưởng Pompeo sẽ nhân cơ hội này để nhấn mạnh rằng Mỹ luôn luôn sát cánh cùng các đối tác ASEAN, đồng thời kêu gọi chính sách phối hợp phản ứng sự hung hăng của Bắc Kinh với các đồng minh của chúng ta trong khu vực", ông Gardner nói.

Thượng nghị sĩ Edward Markey, chủ tịch tiểu ban Đông Á và Thái Bình Dương của Thượng viện, nói rằng hành động của Trung Quốc tại Biển Đông, một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới, đang gây rối loạn. "Tôi rất ủng hộ các nỗ lực ngoại giao để duy trì hòa bình ở Biển Đông và ủng hộ nỗ lực của các đồng minh, đối tác Đông Nam Á", Markey nói. "Tòa án Trọng tài Thường trực đã tuyên bố rõ ràng nhiều năm trước rằng việc xây đảo nhân tạo của Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế và tất cả phải tôn trọng tự do hàng hải. Mỹ nên phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, nhưng cho đến khi chúng ta làm điều này, chúng ta sẽ hành động theo công ước và hy vọng tất cả các quốc gia khác cũng sẽ làm như vậy".

Trước đó, một nhóm nghị sĩ Mỹ hôm 29/7 đã gửi thư kêu gọi Ngoại trưởng Pompeo lên án hành vi "gây hấn và bành trướng" của Trung Quốc tại Biển Đông khi dự Diễn đàn Khu vực các nước Đông Nam Á (ASEAN) tại Bangkok, Thái Lan. Phát biểu tại hội nghị hôm 1/8, Pompeo chỉ trích hành vi "áp bức" của Trung Quốc ở Biển Đông và kêu gọi Bắc Kinh thay đổi cách hành xử.

Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) diễn ra từ ngày 29/7 đến ngày 3/8 với sự tham dự của đại diện hơn 30 quốc gia. Các ngoại trưởng ASEAN hôm 31/7 ra tuyên bố chung lên án hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. ASEAN kêu gọi các bên tăng cường niềm tin lẫn nhau, tự kiềm chế, tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình, theo đuổi giải quyết tranh chấp hòa bình theo luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS), tránh làm phức tạp tình hình và leo thang căng thẳng ở Biển Đông.

Huyền Lê 

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020