Chuyên mục  


qdvangsjc37-read-only-1714783849077928585429.jpg

Trong bốn phiên đấu thầu vàng vừa qua, có đến ba phiên bị hủy với cùng một lý do là không đủ số đơn vị tham gia dự thầu - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Kiến nghị trên, theo Tổng cục Thuế, nhằm minh bạch hoạt động kinh doanh vàng.

Xăng dầu làm được, sao vàng lại không?

Hồi đầu tháng 3, Thủ tướng chỉ đạo trong tháng 3 nếu cửa hàng xăng dầu nào không xuất hóa đơn điện tử mỗi lần bán hàng thì dứt khoát sẽ bị rút giấy phép.

Với mua bán vàng cũng vậy, nếu phát hiện không xuất hóa đơn điện tử thì đơn vị kinh doanh vàng đó phải bị rút giấy phép. Cần triển khai quyết liệt, mạnh mẽ để thị trường vàng dần đi vào minh bạch.

Theo thông tin từ Tổng cục Thuế, đến nay cả nước đã có 5.835 cơ sở kinh doanh vàng bạc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Tổng số lượng hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền trong một năm qua đạt trên 1 triệu hóa đơn.

Đấu thầu để tăng cung nhưng liên tục hủy

Trưa 3-5, Ngân hàng Nhà nước phát đi thông báo cho biết do chỉ có một đơn vị nộp phiếu dự thầu nên Ngân hàng Nhà nước đã hủy phiên đấu thầu vào 9h sáng 3-5. Đáng chú ý, đây là lần thứ ba Ngân hàng Nhà nước hủy phiên đấu thầu vàng vì không đủ số đơn vị tham gia dự thầu.

Ngay sau khi thông tin này phát đi, giá vàng miếng SJC từ chỗ 85,3 triệu đồng/lượng đã tăng vọt lên 85,8 triệu đồng/lượng. Tại Công ty SJC, giá bán vàng miếng SJC ở mức 85,8 triệu đồng/lượng, mua vào 83,5 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua - bán lên đến 2,3 triệu đồng/lượng.

Giá bán vàng niêm yết tại các ngân hàng cũng tăng theo.

Còn tại các tiệm vàng, giá bán vàng miếng ở mức 85,1 triệu đồng/lượng, mua vào 83,6 triệu đồng/lượng.

Mức giá 85,8 triệu đồng/lượng cũng là mức giá kỷ lục của vàng miếng SJC từ trước đến nay và duy trì cho đến cuối ngày, bất kể giá vàng thế giới đã quay đầu giảm về dưới 2.300 USD/ounce. Quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới chỉ tương đương 70,58 triệu đồng/lượng.

Một diễn biến đáng chú ý là dù mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước khi đấu thầu vàng trở lại sau 11 năm là kéo giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới nhưng thực tế lại ngược lại. Từ chỗ chỉ chênh 9,53 triệu đồng/lượng trước đấu thầu, đến nay mức chênh đã lên đến 14,72 triệu đồng/lượng.

mua-ban-vang-1-read-only-1714783849072376910779.jpg

Mua bán vàng ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Cần phản hồi từ Ngân hàng Nhà nước

Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng việc hủy ¾ phiên đấu thầu vàng do có 1-2 đơn vị tham gia cho thấy mục đích tăng cung vàng ra thị trường của cơ quan quản lý đã thất bại.

Giá chào thầu để đặt cọc là một chuyện, nhưng số lượng tối thiểu mà một đơn vị dự thầu đặt mua là 1.400 lượng là quá lớn. Trong bối cảnh giá vàng thế giới rung lắc trước lo ngại xung đột ở Trung Đông cũng như Nga - Ukraine vẫn căng thẳng, việc ôm một lượng vàng lớn với mức giá quá cao sẽ vô cùng rủi ro cho các doanh nghiệp trong nước.

Song điều lo ngại nhất, ông Long cho rằng mục tiêu mà Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước có giải pháp thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới là không đạt được.

"Đây là điều vô cùng phi lý và cần có câu trả lời từ phía Ngân hàng Nhà nước - cơ quan được Chính phủ giao quản lý hoạt động kinh doanh vàng", ông Long nhận định.

Liệu đấu thầu vàng thành công có giúp hạ nhiệt giá vàng miếng SJC trong nước? Theo ông Long, cung tăng thì giá sẽ giảm. Nên chuyên gia này đề nghị Ngân hàng Nhà nước nên xem xét giảm số lượng đặt thầu tối thiểu cho mỗi đơn vị tham gia chỉ 500 lượng.

Về mức giá, cần cân nhắc mức giá đặt cọc cũng như giá đấu thầu cần đảm bảo mục tiêu giảm chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC với giá vàng thế giới và để giá vàng trong nước không lệch pha với giá vàng thế giới.

Còn như hiện nay không những doanh nghiệp vàng không háo hức chờ đợi đấu thầu mà mỗi khi có thông tin hủy đấu thầu là thị trường vàng lại xáo động và giá vàng miếng SJC lại bị đẩy lên và đến nay đã ở mức đỉnh mọi thời đại.
Ông NGUYỄN NGỌC TRỌNG (giám đốc Công ty vàng Đối tác mới)

Cần cách làm khác

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Trọng - giám đốc Công ty vàng Đối tác mới (NPJ) - cho rằng nên xem lại mục tiêu khi thực hiện đấu thầu vàng. Nếu đấu thầu vàng với mục tiêu tăng nguồn cung vàng ra thị trường, từ đó thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước - thế giới thì cách làm phải khác.

"Khác ở đây là nên hạ số lượng đặt thầu tối thiểu từ mức 1.400 lượng xuống còn vài trăm lượng để nhiều doanh nghiệp vàng có thể tham gia đấu thầu. Mức giá sàn cũng phải xem xét lại cho hợp lý", ông Trọng nói.

Cũng theo ông Trọng, đấu thầu vàng miếng SJC được xem là giải pháp điều tiết dễ hơn cho cơ quan quản lý so với cho nhập vàng vì Ngân hàng Nhà nước có thể chủ động nguồn cung ngoại tệ nhưng qua ba phiên buộc phải hủy đấu thầu vàng vừa qua, theo ông Trọng, cơ quan quản lý nên xem xét lại mục tiêu để từ đó đưa ra giải pháp đúng và hiểu thị trường hơn.

Còn theo chuyên gia Trần Duy Phương, nếu Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì các điều kiện đấu thầu như hiện nay thì khả năng các phiên đấu thầu tiếp theo sẽ lại thất bại. Vì với quy định mua tối thiểu 1.400 lượng nên rất ít doanh nghiệp vàng dám tham gia vì 1.400 lượng vàng theo mức giá hiện tại lên đến gần 120 tỉ đồng. Thêm vào đó, mức giá đặt cọc cũng như giá sàn quá cao cũng khiến doanh nghiệp ngán ngại.

Các chuyên gia kiến nghị Ngân hàng Nhà nước quy định khối lượng tối thiểu là 500 lượng, thậm chí thấp hơn, ở mức 300-400 lượng. Như vậy là vừa sức và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vàng cùng tham gia, qua đó tăng nguồn cung vàng miếng SJC ra thị trường.

Thanh tra thị trường vàng, kinh doanh vàng miếng

Trong chỉ thị số 14 vừa được ban hành, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Tổng cục Thuế cho biết vừa phân công cán bộ thanh tra thuế tham gia đoàn công tác thanh tra, kiểm tra thị trường vàng theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020