Chuyên mục  


Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Nga hôm 29/12, Ngoại trưởng Sergey Lavrov khẳng định Moskva đang tự nguyện áp dụng những biện pháp để ngăn phương Tây hiểu nhầm và tính toán sai về lực lượng tên lửa hạt nhân. Tuy nhiên, Nga đang đánh giá tình hình dựa trên phân tích động thái chiến lược của Mỹ và NATO, nhằm đưa ra điều chỉnh phù hợp với lợi ích của nước này.

"Chúng ta tiếp tục tuân thủ hạn chế về số lượng đối với các vũ khí liên quan theo quy định của Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START). Tuy nhiên, lệnh đơn phương dừng triển khai những loại tên lửa bị cấm trong Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm xa (INF) không còn khả thi và sẽ được hủy bỏ", ông nói.

Ngoại trưởng Lavrov cáo buộc Mỹ đã triển khai vũ khí tương tự đến nhiều nơi trên thế giới, bất chấp cảnh báo từ Nga và Trung Quốc.

Tên lửa hành trình Iskander-K của Nga rời bệ phóng tháng 3/2022. Ảnh: BQP Nga

Ông Lavrov nhắc lại tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin rằng Nga sẽ đáp trả tương xứng động thái trên của Mỹ. Ngoại trưởng Nga cho biết vụ phóng tên lửa đạn đạo mang đầu đạn siêu vượt âm Oreshnik nhằm vào Ukraine hồi tháng 11 đã "chứng minh một cách thuyết phục về khả năng và quyết tâm của Moskva trong thực hiện các biện pháp đáp trả".

Giới chức Mỹ chưa bình luận về thông tin.

Mỹ và Liên Xô ký hiệp ước INF vào năm 1987, đánh dấu lần đầu tiên các cường quốc đồng ý cắt giảm kho vũ khí hạt nhân. Hiệp ước cấm hai bên phát triển mọi loại tên lửa hành trình và đạn đạo phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500 km. Sau khi Liên Xô tan rã, Nga kế thừa hiệp ước INF.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump hồi năm 2019 quyết định rút khỏi hiệp ước sau khi cáo buộc Nga phát triển tên lửa 9M729 có tầm bay gần 5.000 km. Moskva phủ nhận cáo buộc và khẳng định tên lửa này có tầm bắn 480 km, đồng thời chỉ trích Washington không tuân thủ INF khi đặt các tổ hợp Aegis Ashore có thể phóng tên lửa hành trình Tomahawk với tầm bắn 2.500 km tại châu Âu.

Nga khi đó áp lệnh cấm đơn phương, tuyên bố sẽ không sản xuất và triển khai tên lửa bị cấm theo INF, miễn là Mỹ không đưa tên lửa đến các khu vực trên thế giới.

Tuy nhiên, Washington đã nhiều lần thử nghiệm tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, vũ khí bị cấm theo INF, sau khi rút khỏi hiệp ước này. Giới chức Mỹ hồi tháng 4 thông báo đưa hệ thống Typhon, có khả năng phóng tên lửa hành trình Tomahawk và phòng không SM-6, đến Philippines để chuẩn bị cho cuộc tập trận chung thường niên Balikatan.

Trong cuộc họp với các quan chức an ninh hàng đầu Nga hôm 28/6, Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh đây là mối lo ngại với Moskva và đòi hỏi nước này áp dụng biện pháp đối phó. "Có vẻ Nga sẽ phải bắt đầu sản xuất những hệ thống tên lửa tương tự và đưa ra quyết định về địa điểm triển khai chúng, dựa trên tình hình thực tế và yêu cầu bảo đảm an ninh quốc gia", ông cho hay.

Nguyễn Tiến (Theo RIA Novosti, Reuters, AFP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020