Nhóm nghiên cứu chống thông tin sai lệch American Sunlight Project (ASP) trụ sở tại Mỹ tháng trước công bố nghiên cứu xác định hơn 35.000 nội dung deepfake nhắm vào 26 nghị sĩ Mỹ trên các websites khiêu dâm, trong đó có 25 người là phụ nữ.
Deepfake là sự kết hợp giữa "deep learning" (học sâu) và "fake" (giả). Công nghệ này sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phân tích cử chỉ, nét mặt và giọng nói của một người, từ đó tái tạo và chỉnh sửa để cho ra đời ảnh hoặc video trông như thật về người đó, thậm chí tạo được cả giọng nói.
Giới chuyên gia cho biết deepfake đang bùng nổ, vượt quá năng lực quản lý của chính phủ các nước. Nạn dùng deepfake chỉnh sửa ảnh cá nhân thành nội dung khiêu dâm đang trở nên đáng lo ngại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự nghiệp, uy tín của các nữ chính trị gia và an ninh quốc gia, khi tạo điều kiện cho kẻ xấu tống tiền hoặc quấy rối những phụ nữ tham gia chính trị.
Áp phích chống deepfake trong cuộc họp báo tại Washington, Mỹ, tháng 6/2024. Ảnh: AFP
ASP không công bố tên của các nghị sĩ để tránh việc họ bị tìm kiếm trên các website khiêu dâm, nhưng cho biết đã gửi cảnh báo đến văn phòng họ.
"Cứ 6 phụ nữ trong quốc hội Mỹ thì có một người là nạn nhân của deepfake khiêu dâm. Họ đang bị nhắm đến với tốc độ đáng báo động. Đây không chỉ là vấn đề công nghệ, mà là những động thái tấn công trực tiếp nhằm vào giới lãnh đạo nữ ở Mỹ", ASP cho biết trong nghiên cứu hồi tháng 12/2024.
Tại Anh, Phó thủ tướng Angela Rayner là một trong hơn 30 nữ chính trị gia của nước này trở thành mục tiêu của một website khiêu dâm bằng công nghệ deepfake.
Truyền thông Anh cho biết website này đã sử dụng deepfake để biến ảnh của hơn 10 nữ chính trị gia thành ảnh khỏa thân.
Tại Italy, Thủ tướng Giorgia Meloni năm 2024 kiện hai người đàn ông, cáo buộc họ tạo video khiêu dâm giả mạo bà bằng deepfake. Các video này có từ trước khi bà đắc cử Thủ tướng và đã lan truyền trên mạng, được đăng trên một website khiêu dâm của Mỹ và có "hàng triệu lượt xem trong vài tháng".
Thủ tướng Meloni đang yêu cầu khoản bồi thường hơn 100.000 USD. Nhóm luật sư của bà Meloni cho hay bà sẽ quyên góp toàn bộ số tiền này cho một quỹ hỗ trợ phụ nữ là nạn nhân bạo lực.
Thủ tướng Italy Giorgia Meloni tại một hội nghị ở Apuli, Italy, tháng 6/2024. Ảnh: AFP
Tại Pakistan, phóng viên AFP đã phát hiện một video deepfake giả mạo nữ nghị sĩ Meena Majeed ôm một nam bộ trưởng không có quan hệ họ hàng, hành động bị coi là "trái luân thường" ở quốc gia Hồi giáo này.
Giám đốc Sở Truyền thông tỉnh Punjab Azma Bukhari cũng chia sẻ từng cảm thấy "sụp đổ" khi phát hiện mình là nạn nhân của video deepfake, trong đó gương mặt bà bị cắt ghép với cơ thể gợi cảm của một diễn viên Ấn Độ.
"Vấn nạn sử dụng nội dung deepfake khiêu dâm để quấy rối phụ nữ trong chính trị đang gia tăng", tổ chức phi lợi nhuận Tech Policy Press cho biết năm 2024, cảnh báo xu hướng này sẽ khiến nhiều phụ nữ ngần ngại tham gia chính trị.
Pakistan chưa có khung pháp lý chống lại deepfake khiêu dâm. Luật Anh đã hình sự hóa hành vi chia sẻ nội dung deepfake khiêu dâm. Chính phủ Anh cam kết ban hành lệnh cấm trong năm 2025, nhưng đến nay chưa công bố mốc thời gian cụ thể.
Nhiều bang Mỹ đã thông qua luật cấm tạo ra nội dung deepfake khiêu dâm. Giới vận động đang kêu gọi quốc hội Mỹ khẩn trương thông qua loạt dự luật quản lý việc phát tán chúng.
Bà Azma Bukhari, lãnh đạo truyền thông tỉnh Punjab, Pakistan, tại phiên tòa tháng 11/2024. Ảnh: AFP
Các chuyên gia cũng cảnh báo nạn deepfake không chỉ nhắm vào phụ nữ là chính trị gia, người nổi tiếng. Sau khi ASP thông báo cho các nữ nghị sĩ Mỹ bị nhắm mục tiêu, các hình ảnh deepfake giả mạo họ gần như bị xóa sạch trên Internet, nhưng điều đó sẽ không nhanh chóng như vậy với các phụ nữ bình thường.
ASP mô tả đây là "chênh lệch đặc quyền". "Những phụ nữ không có nhiều ảnh hưởng hay quyền lực khó có thể được hỗ trợ xóa hình ảnh nhạy cảm giả mạo mình nhanh chóng như vậy", nhóm nghiên cứu bình luận.
Đức Trung (Theo AFP, CNN, Guardian)