Chuyên mục  


Các cơ quan tình báo Mỹ đang tăng cường theo dõi sau khi hai vận tải cơ quân sự Trung Quốc đáp xuống sân bay ở Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và bốc dỡ nhiều thùng hàng không rõ mục đích, nhóm quan chức Mỹ giấu tên am hiểu tình hình cho biết hôm 25/5.

Những chuyến bay vận tải, cùng hàng loạt dấu hiệu về tăng cường hợp tác an ninh giữa Bắc Kinh và Abu Dhabi, đã khiến giới chức Mỹ lo ngại và đặt dấu hỏi với thương vụ bán vũ khí tối tân trị giá gần 23,4 tỷ USD giữa Mỹ với UAE, các quan chức giấu tên nói thêm.

Tiêm kích F-35 Mỹ triển khai đến UAE năm 2019. Ảnh: USAF.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden hồi giữa tháng 4 thông báo cho quốc hội Mỹ về quyết định bán lô vũ khí gồm 50 tiêm kích tàng hình F-35, 18 máy bay không người lái (UAV) vũ trang MQ-9B, cùng tên lửa không đối không và không đối đất cho UAE.

Tuy nhiên, quan hệ hợp tác ngày càng tăng giữa UAE và Trung Quốc khiến giới chức Mỹ đang tìm mọi cách ngăn công nghệ quân sự mới nhất trong hợp đồng này rơi vào tay Bắc Kinh. Báo cáo sức mạnh quân sự Trung Quốc được Lầu Năm Góc công bố năm ngoái nhận định Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ xây dựng căn cứ ở UAE trong tương lai gần.

"Chuyển giao tiêm kích F-35, viên ngọc quý nhất trong kho vũ khí Mỹ, cho thấy sự tin tưởng của Washington với Abu Dhabi. Cần tiến hành thêm nhiều bước trước khi những hệ thống đó được bàn giao", David Schenker, cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Cận Đông dưới thời cựu tổng thống Donald Trump, nhận xét.

Đại sứ UAE tại Mỹ Yousef Al Otaiba khẳng định nước này luôn bảo vệ công nghệ quân sự Mỹ, cả trong liên quân do Washington dẫn đầu cũng như tại UAE, nơi Mỹ đã triển khai nhiều khí tài quân sự nhạy cảm suốt nhiều năm.

Điều khoản đàm phán ban đầu cho thấy UAE có thể nhận tiêm kích F-35 đầu tiên vào năm 2027. Nguồn tin giấu tên cho biết giới chức Mỹ yêu cầu UAE bảo đảm các bên thứ ba, đặc biệt là Trung Quốc, không được phép tiếp cận công nghệ trên tiêm kích F-35 và UAV MQ-9B, cũng như những vũ khí này không được sử dụng tại Yemen và Libya.

Thỏa thuận vũ khí với UAE từng bị nhiều nghị sĩ lưỡng đảng Mỹ phản đối, với lý do chúng có thể được sử dụng trong cuộc chiến tại Yemen, quốc gia chịu khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới. Thượng viện Mỹ hồi năm ngoái tìm cách ngăn thỏa thuận song không thành công.

Quyết định của chính quyền Biden khiến UAE trở thành quốc gia Arab đầu tiên và nước Trung Đông thứ hai sở hữu F-35 sau Israel.

Giới chức Israel từng nhiều lần bày tỏ lo ngại khả năng Mỹ bán tiêm kích tàng hình F-35 cho các nước Arab, cho rằng nó sẽ ảnh hưởng tới cán cân sức mạnh quân sự trong khu vực. Tuy nhiên, Tel Aviv tỏ ý không phản đối thương vụ được chính quyền Biden thông qua.

Vũ Anh (Theo WSJ)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020