Chuyên mục  


Đại tá Goita, sinh năm 1983, người đứng đầu chính quyền quân sự Mali sau cuộc đảo chính hồi tháng 8 năm ngoái, hôm nay đọc tuyên bố trên truyền hình nhà nước, thông báo cả Tổng thống Mali Bah Ndaw và Thủ tướng Moctar Ouane đều bị phế truất vì tìm cách "phá hoại" quá trình chuyển tiếp quyền lực.

"Quá trình chuyển giao quyền lực sẽ diễn ra như bình thường và cuộc bầu cử dự kiến được tổ chức vào năm 2022", đại tá Goita nói.

Tổng thống Ndaw và Thủ tướng Ouane được bổ nhiệm để dẫn dắt chính phủ lâm thời Mali từ tháng 9/2020, với mục tiêu khôi phục hoàn toàn quyền điều hành dân sự trong vòng 18 tháng sau cuộc đảo chính.

Tuy nhiên, quân đội Mali ngày càng tỏ ra bất mãn với quá trình cải tổ trong chính phủ lâm thời, nên quyết định bắt hai lãnh đạo này hôm 24/5, hai quan chức cấp cao giấu tên tiết lộ.

Đại tá Assimi Goita phát biểu trước báo giới tại thủ đô Bamako của Mali hồi tháng 8/2020. Ảnh: AFP.

Trước đó, chính phủ lâm thời Mali tuyên bố cải tổ sau khi hứng ngày càng nhiều chỉ trích. Quân đội vẫn nắm những chức vụ quan trọng mà họ vốn kiểm soát trong chính quyền cũ, nhưng cựu bộ trưởng quốc phòng Sadio Camara và cựu bộ trưởng an ninh Modibo Kone, hai trong số các lãnh đạo đảo chính, lại bị thay thế.

Đại tá Goita, người giữ chức phó tổng thống trong chính phủ lâm thời, cáo buộc Ndaw và Ouane không tham vấn ý kiến của ông về việc cải tổ. "Bước đi này là minh chứng cho tham vọng rõ ràng của Tổng thống và Thủ tướng lâm thời, là tìm cách vi phạm điều lệ chuyển tiếp quyền lực", Goita nói, đề cập đến văn bản phần lớn do các đại tá quân đội soạn thảo, đặt ra những nguyên tắc làm nền tảng cho sự trở lại của chính quyền dân sự Mali.

Động thái bắt giam Ndaw và Ounane bị cộng đồng quốc tế lên án dữ dội, bao gồm tuyên bố chung hiếm hoi của Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Phi, Cộng đồng Kinh tế Các nước Tây Phi (ECOWAS), Liên minh châu Âu và Mỹ. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi bình tĩnh và "trả tự do vô điều kiện" cho hai lãnh đạo Mali.

Diễn biến này đánh dấu một cuộc khủng hoảng mới đối với Mali, quốc gia Tây Phi nghèo đói vốn đang vật lộn với sự nổi dậy của phiến quân Hồi giáo, nền kinh tế lao dốc và nạn tham nhũng. Sau cuộc đảo chính hồi tháng 8/2020, lần thứ hai trong vòng 8 năm, giới quan sát từng bày tỏ lo ngại nếu Mali chìm sâu hơn vào khủng hoảng, tác động sẽ vượt khỏi biên giới nước này và lan tới tận vùng duyên hải Tây Phi.

Ánh Ngọc (Theo AFP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020