Hôm 22/6, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết đang thảo luận với các đồng minh châu Âu về việc để doanh nghiệp tiếp tục bảo hiểm cho dầu Nga giao đến các nước thu nhập thấp và đang phát triển. Nhưng điều kiện là phải giá trần bán dầu do phương Tây đặt ra.
"Có thể coi đây là ngoại lệ đối với lệnh cấm. Chúng tôi nghĩ rằng nó là cách quan trọng để ngăn chặn tác động đối với các nước có thu nhập thấp và đang phát triển, khi họ đang phải vật lộn với chi phí lương thực và năng lượng cao", bà Yellen nói.
Đầu tháng 6, sau nhiều tuần thảo luận, Liên minh châu Âu (EU) thông qua lệnh cấm các hãng bảo hiểm cho dầu Nga. Họ cũng cấm nhập khẩu phần lớn dầu Nga, dự kiến có hiệu lực vào cuối năm nay.
Vì đa phần dầu Nga trước đây được bảo hiểm bởi các công ty EU và Anh, bà Yellen đã nhiều lần bày tỏ lo ngại rằng các kế hoạch của EU có thể loại dầu Nga khỏi thị trường toàn cầu và tiếp tục đẩy giá lên. Dù Mỹ và EU đã cấm nhập khẩu dầu Nga, nhiều nước đang phát triển cũng như Trung Quốc và Ấn Độ vẫn tiếp tục mua từ quốc gia này.
Một tàu chở dầu cập cảng Transneft-Kozmino ở vùng viễn đông của Nga. Ảnh: Reuters
Theo nguồn tin của WSJ, nội bộ châu Âu đang chia rẽ với bất kỳ động thái nào nhằm nới lỏng gói trừng phạt, vốn đã rất khó thống nhất. Hiện tại, một số nước đã cảm thấy lập luận của Mỹ thuyết phục. Bà Yellen cho rằng các lệnh trừng phạt đang làm tăng giá năng lượng, từ đó giúp Nga có đủ nguồn thu để bù lại số lượng.
Trên thực tế, một nhóm quan chức Bộ Tài chính Mỹ đã đến châu Âu sau khi EU thông qua gói trừng phạt dầu Nga. Bà Yellen thì vẫn tiếp tục công khai kêu gọi giải pháp áp giá trần. Kỳ vọng của bà là tìm cách vừa hạn chế doanh thu của Nga từ việc bán dầu, vừa tránh tăng giá toàn cầu.
Dù vậy, vấn đề mấu chốt là làm thế nào tạo ra một cơ chế áp giá trần hiệu quả. Một quan chức cấp cao của EU cho biết đề xuất của Mỹ là "hấp dẫn" khi xét về mục tiêu, nhưng "có nhiều câu hỏi cần được xem xét" về cách thức hoạt động. Các quan chức Đức thì từ lâu cho rằng áp giá trần là không thực tế và không thể thực hiện.
Nhiều bài toán khác cũng được đưa ra. Một số quan chức châu Âu cho biết thách thức cụ thể là các công ty bảo hiểm làm thế nào để biết tàu chở dầu Nga có thực sự tuân thủ giá trần của phương Tây hay không.
Số khác thì đặt câu hỏi về việc đặt mức giá nào làm trần và bằng cách nào đảm bảo nó kéo giảm doanh thu của Điện Kremlin mà không khiến Nga giảm bán dầu, dẫn đến thắt chặt nguồn cung. Về việc này, Mỹ cho biết đang nghiên cứu chi phí hòa vốn với các nhà sản xuất dầu của Nga, cũng như các phương thức vận chuyển.
Ngoài ra, để giành được sự ủng hộ từ tất cả các nước thành viên EU cho một đề xuất giá trần có thể là điều không đơn giản. Hy Lạp, Cyprus và Malta đã thành công trong việc vận động cấm vận dầu Nga dài hạn và đưa ra đề xuất cấm các tàu châu Âu chở dầu của Nga. Họ có thể không muốn làm dịu cuộc chiến đó.
Nhìn chung, bất kỳ giải pháp nào đưa ra cũng phải thuyết phục được tất cả 27 quốc gia thành viên EU điều chỉnh gói trừng phạt hiện tại. Giải pháp này còn cần thêm sự đồng hành của Anh, quốc gia vốn thống trị ngành tái bảo hiểm.
Phó thủ tướng Canada Chrystia Freeland đã gặp bà Yellen tại Toronto mới đây, và nói rằng nước này ủng hộ việc áp giá trần với dầu Nga. "Con đường phía trước là thảo luận với các đối tác châu Âu. Họ đóng vai trò trung tâm trong việc đưa ra quyết định", bà Yellen nói.
Tổng thống Biden sẽ đến châu Âu vào cuối tuần này để dự hội nghị thượng đỉnh G7. Tuy nhiên, khả năng các quốc gia phương Tây sẽ chốt được thỏa thuận mới về đề xuất này là không cao.
Hiện tại, phương Tây vẫn loay hoay với việc làm thế nào để cắt đứt nguồn tài chính của Nga cho chiến dịch quân sự ở Ukraine mà vẫn bảo vệ kinh tế toàn cầu khỏi suy thoái. Nga vẫn đang nhận được doanh thu đáng kể từ việc bán dầu và khí đốt tự nhiên, nhờ giá dầu tăng vọt năm nay. Lạm phát cũng đang dâng lên khắp thế giới, và chính quyền Biden coi đó là vấn đề chính sách kinh tế hàng đầu của mình.
Các quan chức Ukraine cũng ủng hộ ý tưởng áp trần giá dầu. Oleg Ustenko, Cố vấn kinh tế của Tổng thống Volodymyr Zelensky, cho biết nước này cũng đang tìm cách ngăn chặn lạm phát đã lên trên 20%. "Tôi ủng hộ kế hoạch này. Tôi nghĩ đây là việc mà chúng ta phải làm ngay lập tức", ông nói.
Phiên An (theo WSJ)