Gia đình chị Dung (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) gồm 6 người mua vé khứ hồi TP HCM - Đà Nẵng của hãng Vietjet Air tại 1 đại lý ở Gò Vấp từ tháng 12-2018, đã thanh toán 28 triệu cho 2 lượt, giờ bay lượt về từ Đà Nẵng về lại TP HCM trưa ngày 9-2.
Có vé lượt mà không có tên lượt về
"Sáng 9-2, tôi còn nhận được tin nhắn báo hoãn chuyến sang chiều. Đúng 3 giờ chiều cả nhà ra sân bay Đà Nẵng làm thủ tục mới tá hỏa vì không có vé trên hệ thống của hãng. Nhân viên tại quầy kiểm tra thì phát hiện đại lý đặt chỗ nhưng không chuyển tiền nên hãng hủy vé. Không có cách nào khác, chúng tôi vật vạ ở đây đặt mua vé vớt của các hãng hàng không. Cứ chạy tới chạy lui quầy dịch vụ của 3 hãng mà mãi tới nửa đêm mới 4 người được về, còn 2 người không biết chờ đến bao giờ" - chị Dung bức xúc.
Hai mẹ con chị sẽ bay chuyến Đà Nẵng - TP HCM lúc 00 giờ 45 ngày 10-2 sau khi mua được vé vớt, trong khi 2 thành viên khác đến rạng sáng nay vẫn đang chờ mua thêm vé. Trường hợp của gia đình chị Dung bay lượt đi vẫn có chỗ, nhưng lượt về lại không thấy tên trên hệ thống.
Hành khách chờ ra máy bay. Ảnh: Linh Anh
Cũng đứng túc trực ở quầy dịch vụ Vietnam Airlines nhờ hỗ trợ tìm vé, gia đình anh Thanh - chị Hồng (ở quận 6) cho biết gia đình chị đã đặt vé từ tháng 9-2018, lúc đi suôn sẻ nhưng về thì kẹt lại vì không có tên trên hệ thống.
"Chúng tôi mua của đại lý, bị họ lừa mà không biết. Tôi có con nhỏ nên họ hứa nếu có người bỏ chuyến, máy bay còn trống chỗ sẽ ưu tiên cho tôi về trước còn chồng tôi tiếp tục đợi" - chị Hồng rươm rướm nói.
Giải thích về trường hợp một vài hành khách có mã đặt chỗ nhưng không có tên trên hệ thống, đại diện một hãng hàng không cho biết, đây không phải vé giả mà có thể do sơ suất hoặc cố ý của đại lý bán vé máy bay. Khoảng vài năm nay, để tránh tình trạng đại lý đầu cơ, găm giữ vé nên các hãng đều có quy định hành khách đặt giữ chỗ xong phải thanh toán tiền mua vé trong một khoảng thời gian nhất định (thường là 24 giờ). Trong thời gian này, hành khách vẫn nhận được mã đặt chỗ, nhưng tình trạng là chưa thanh toán.
Nếu đại lý sơ sót đặt chỗ xong mà quên thanh toán cho hãng thì hệ thống của các hãng hàng không sẽ tự động hủy vé này, khi hành khách ra sân bay sẽ không có tên trên hệ thống và không thể bay. Hoặc trường hợp đại lý cố tình nhận tiền rồi không thanh toán cho hãng, hệ thống của hãng cũng tự động hủy, nhưng tình huống này cũng rất ít xảy ra.
"Với những hành khách này, hãng sẽ hỗ trợ đặt chỗ để đi ngay tại sân bay nếu còn trống ghế, nhưng ngày Tết thì khó khăn hơn. Do đó, các hãng thường xuyên khuyến cáo hành khách cần kiểm tra kỹ vé, tình trạng đặt chỗ trước khi bay để tránh sự cố. Dịp Tết Nguyên Đán vừa qua hãng chưa nhận được phản ánh nào của hành khách về tình trạng vé dỏm, giả" – đại diện hãng giải thích.
Vã mồ hôi đón taxi ở sân bay
Nhu cầu trở lại TP HCM làm việc sau dịp Tết bằng đường hàng không của người dân tăng cao khiến các sân bay đông nghẹt khách. Nhiều khách hàng ở sân bay Đà Nẵng phải chờ thêm 3-4 giờ do hãng chậm chuyến hoặc dời lịch bay mà không báo trước.
Tại sân bay Tân Sơn Nhất, người dân bắt đầu ùn ùn đổ về sau kỳ nghỉ lễ. Càng về khuya máy bay về càng nhiều. 2 giờ 30 sáng ngày 10-2, hàng ngàn khách túa ra cửa ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất.
Hành khách mệt mỏi chờ đón taxi. Ảnh: Linh Anh
Ở khu vực nhà chờ taxi, khách chen nhau từng chút khoảng trống để chờ xe. Nhân viên an ninh sân bay liên tục đọc loa thông báo tình trạng khan hiếm taxi "mong quý khách thông cảm". Nhiều khách không chờ được phải tự đi bộ ra khu vực phía ngoài sân bay để bắt xe và chấp nhận trả giá gấp đôi để về nhà.
Chị Giang, ngụ quận 9, cho biết gia đình chị bay chuyến Vinh - TP HCM chiều tối 9-2, tới sân bay Tân Sơn Nhất lấy hành lý xong phải một tiếng đồng hồ sau mới lên được taxi về nhà. Đặt các ứng dụng gọi xe như Grab, Vato... đều không được, thậm chí có tài xế nhận cuốc nhưng tới nhìn hành lý xong từ chối, hủy chuyến.
"Đặt xe công nghệ mãi không được, chen chúc trước cửa ga quốc nội, gia đình tôi phải chờ thêm cả buổi để lên taxi truyền thống. Nhích từng chút mới ra khỏi sân bay" – chị Giang nói.
Theo Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, dự kiến hôm nay 10-2 sẽ là cao điểm nhu cầu đi lại của hành khách trở về TP HCM sau kỳ nghỉ Tết, với khoảng 890 lượt cất hạ cánh tại sân bay. Trước đó, ngày 1 và 2-2 (tức 27,28 tháng Chạp), sân bay Tân Sơn Nhất trung bình mỗi ngày đón khoảng 128.000 lượt khách và khoảng 830-850 lượt cất hạ cánh. Tính cả dịp Tết Nguyên Đán 2019, sân bay phục vụ hơn 4 triệu lượt hành khách.