Sau khi Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Nhật Bản (JEFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/2, giới chức châu Âu đã ca ngợi FTA lớn nhất thế giới, với 635 triệu người, chiếm 1/3 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 16% thương mại và 1/3 vốn Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu này.
Trong một tuyên bố, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker khẳng định thông qua thỏa thuận này, EU và Nhật Bản đã gửi một thông điệp tới thế giới về tương lai của thương mại mở và công bằng.
Theo ông, JEFTA như một tín hiệu chính trị mạnh mẽ được hai bên phát đi, rằng hợp tác và hội nhập kinh tế vẫn có thể diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cao chính sách bảo hộ kinh tế, chống lại việc thành lập một khu vực thương mại tự do khổng lồ hay việc Anh rời khỏi EU, còn gọi là Brexit.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, cùng chung nhận định trên, Bộ Ngoại giao Đức cho rằng JEFTA cho thấy việc loại bỏ các rào cản thương mại với những tiêu chuẩn bền vững cao có thể song hành với nhau.
[Xuất khẩu của Nhật Bản lần đầu tiên giảm trong gần hai năm]
Nhật Bản và EU cùng đảm bảo các quy định của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về an toàn và sức khỏe lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho việc truyền dữ liệu, thương mại kỹ thuật số và trao đổi dịch vụ. Bên cạnh những cải tiến sâu rộng cho nền kinh tế và người tiêu dùng, thỏa thuận này tăng cường thương mại dựa trên quy tắc, công bằng và tự do nói chung.
Không chỉ tạo điều kiện trao đổi hàng hóa, dịch vụ và đầu tư giữa Nhật Bản và EU, JEFTA còn đặt ra các quy tắc để cạnh tranh công bằng, bảo vệ sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn lao động và bảo vệ môi trường.
Hiệp hội Công nghiệp Đức (BDI) ca ngợi thỏa thuận này là cột mốc quan trọng. Theo đó, Nhật Bản và EU đang chống lại viễn cảnh kinh tế toàn cầu không chắc chắn với sự mở cửa thị trường mẫu mực, tiêu chuẩn cao và các quy tắc giao dịch đáng tin cậy.
Theo BDI, bước tiếp theo cần phải làm là đạt được các thỏa thuận thương mại tự do với Singapore và Việt Nam.
Dẫu vậy, vẫn còn những ý kiến trái chiều về JEFTA. Tổ chức môi trường Hòa bình xanh (Greenpeace) chỉ trích thỏa thuận này chủ yếu mang lại lợi ích cho các công ty có tiêu chuẩn sản xuất thấp vì có rất nhiều điểm giảm bớt sự bảo vệ đối với người tiêu dùng và môi trường.
Một báo cáo của Mạng lưới thương mại công bằng thuộc Greenpeace cũng nghi ngờ về cam kết đối với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, cho rằng cam kết bổ sung với môi trường được đưa ra trong JEFTA đáng hoan nghênh nhưng hoàn toàn mang tính biểu tượng.
Theo mạng lưới trên, JEFTA không có cơ chế thực thi, không chỉ rõ hậu quả với những vi phạm đối với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, EC đã bác bỏ các cáo buộc trên, đồng thời khẳng định thỏa thuận với Nhật Bản là một cam kết đối với các giá trị được chia sẻ và các tiêu chuẩn cao nhất về công việc, an toàn, bảo vệ môi trường và người tiêu dùng.
Sau 4 năm đàm phán, EU và Nhật Bản đã kết thúc các cuộc đàm phán về JEFTA vào tháng 12/2017. Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 6 của EU trên thế giới.
Đối với Nhật Bản, EU chiếm vị trí thứ 3. Kim ngạch thương mại hai chiều song phương trong năm 2017 đạt khoảng 130 tỷ euro (khoảng 147 tỷ USD).
Với mục tiêu chính của JEFTA là loại bỏ thuế đối với 97% và 99% hàng nhập khẩu của Nhật Bản và châu Âu, hai bên sẽ giảm thuế và hàng rào phi thuế quan để thúc đẩy hơn nữa thương mại và đầu tư./.