Tổng thu nhập hoạt động (TOI) hợp nhất của ngân hàng đạt 14.218 tỷ đồng, tăng gần 16% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng hơn 11,5% so với năm trước, đạt trên 10.200 tỷ đồng. Kết quả này được dẫn dắt bởi tăng trưởng tín dụng cao hơn so với trung bình ngành ngân hàng.
Cụ thể, dư nợ tín dụng ngân hàng hợp nhất đạt hơn 178.280 tỷ đồng; tăng trưởng tín dụng của riêng ngân hàng mẹ là 18,25%, cao hơn mức trung bình 15,08% toàn ngành, với sự đóng góp lớn từ các phân khúc chiến lược như khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Đồng thời, thu nhập ngoài lãi của đơn vị chiếm gần 28% TOI, cao hơn mức 25% của năm trước, đảm bảo cân bằng và đa dạng hóa sản phẩm trong kinh doanh.
Tăng trưởng tín dụng cũng là động lực thúc đẩy chính trong tăng trưởng tổng tài sản MSB. Chỉ số này chạm mốc gần 320.200 tỷ đồng vào ngày 31/12/2024, tăng xấp xỉ 20% so với cuối năm 2023.
Bên cạnh đó, tiền gửi khách hàng của MSB cũng tăng trưởng, đảm bảo hiệu quả nguồn vốn với mức giải ngân tín dụng. Tiền gửi của khách hàng cán mốc 154.600 tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ CASA đạt 26,42%, tăng khoảng 2% so với thời điểm kết thúc quý III năm 2024.
Những con số này phản ánh đơn vị có những bước tiến trong đa dạng hóa cách thức huy động vốn, đồng thời, cho thấy mức độ đáp ứng nhu cầu của sản phẩm dịch vụ, hiệu quả của công tác tiếp thị trên kênh truyền thống và kênh số. Tỷ lệ đóng góp CASA cũng tương đối đồng đều giữa các phân khúc cá nhân, SME và doanh nghiệp lớn trong tổng tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng. Trong đó, phân khúc chiến lược đóng góp khoảng 27.000 tỷ CASA.
Kết quả chung, MSB đạt hơn 6.903 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế lũy kế, tăng hơn 18% so với năm 2023, vượt kế hoạch đề ra ở mức 6.800 tỷ đồng hồi tháng 4/2024.
Khách hàng trải nghiệm dịch vụ tại chi nhánh MSB. Ảnh: MSB
Về chỉ số an toàn hoạt động, vị thế vốn của MSB cũng duy trì với tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) là 72,24%, tính đến 31/12/2024, tuân thủ mức trần 80% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn (MTLT) ở mức 28,27%, thấp hơn mức 29,38% hồi cuối quý III. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II của ngân hàng ở mức 12,25%, khá cao so với yêu cầu tối thiểu 8%, đảm bảo bộ đệm vốn được duy trì tốt.
Nhờ các biện pháp quản trị rủi ro, tỷ lệ nợ xấu của MSB đã giảm mạnh, ở mức 1,83% (số riêng lẻ). Ngân hàng cũng ưu tiên cấp tín dụng cho các khoản vay có tài sản bảo đảm. Những năm gần đây, dư nợ cho vay tại đây thường tập trung vào các lĩnh vực có mức độ biến động thấp hơn như xuất nhập khẩu, sản xuất, thương mại...
Đại diện MSB cho biết, kết quả kinh doanh 2024 đã thể hiện khả năng thích nghi, nắm bắt tình hình và dự báo sát diễn biến thị trường, năng lực triển khai đúng kế hoạch đề ra của MSB. Từ thực tế, ngân hàng đưa ra định hướng đẩy mạnh tăng trưởng doanh thu, kiểm soát chi phí hoạt động, thông qua số hóa các khâu vận hành, đẩy nhanh phát triển hành trình khách hàng số.
Nhà băng đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn trong phê duyệt tín dụng, đánh giá mức độ rủi ro và chăm sóc khách hàng trên đa kênh, hướng tới mục tiêu trở thành ngân hàng đáp ứng vượt kỳ vọng của người dùng bằng nền tảng công nghệ.
"MSB ưu tiên tăng trưởng bền vững, dựa trên chiến lược số hóa, xanh hóa, phát triển và tối ưu sản phẩm trên đa kênh phù hợp với xu thế thị trường, khai thác hệ sinh thái và hướng về mục tiêu tối ưu giá trị cho khách hàng, các bên liên quan, đồng hành cùng Chính phủ trong chiến lược quốc gia, đảm bảo ổn định kinh tế", vị đại diện nói thêm.
Nhật Lệ