Chuyên mục  


Dự án đường dây 500 kV Monsoon - Thạnh Mỹ (đoạn trên lãnh thổ Việt Nam) do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, thực hiện từ tháng 9/2023. Với mốc đóng điện từ 23/1, đường dây này hoàn thành sau gần 16 tháng thi công, sớm hơn 40 ngày so với thời điểm dự án điện gió Monsoon (Lào) vận hành.

Đường dây này có khả năng truyền tải công suất lớn nhất khoảng 2.500 MW, nhập khẩu điện từ nhà máy điện gió Monsoon về Việt Nam.

Sau khi nhà máy điện gió Monsoon hoàn thành, đường dây này sẽ tiếp nhận nguồn điện nhập khẩu từ Lào với công suất 600 MW. Tương ứng, mỗi năm Việt Nam có thêm 1,7 tỷ kWh điện nhập từ Lào.

Dự án đường dây 500 kV Monsoon - Thạnh Mỹ. Ảnh: EVN

Phần công trình tại Việt Nam được xây dựng tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam với chiều dài khoảng 44,71 km, tổng mức đầu tư 1.100 tỷ đồng.

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện lực quốc gia (Quy hoạch Điện VIII), tổng công suất nhập khẩu điện từ Lào khoảng 5.000 MW, có thể tăng lên 8.000 MW. Ngành điện ưu tiên đầu tư các dự án lưới truyền tải kết nối với nước láng giềng, đường dây dự phòng cho tăng trưởng nhu cầu điện và phát triển nguồn khu vực, gồm nhập khẩu.

Thực tế, Việt Nam mua điện của Lào, chủ yếu là thủy điện, từ năm 2016 theo thỏa thuận hợp tác liên Chính phủ hai nước. Giá mua điện đang ở mức 6,95 cent một kWh, thực hiện đến hết năm nay. Từ sau 2025, giá mua sẽ thấp hơn 0,17-0,55 cent một kWh, tương đương 2,4-7,9%.

Điện từ Lào nhập về Việt Nam được truyền tải qua đường dây 220 kV. Lượng điện mua từ nước này dần tăng khi miền Bắc thiếu điện hồi 2023.

Năm nay, miền Bắc dự báo có thể thiếu khoảng 6,8 tỷ kWh trong cao điểm mùa khô (tháng 5, 7), do các nguồn điện mới vào vận hành rất ít, chủ yếu rơi vào thời điểm cuối năm. Do đó, ngoài các nguồn trong nước, việc mua điện của Lào sẽ bổ sung thêm đáng kể công suất, đảm bảo cung ứng điện cho miền Bắc những năm tới. Ngoài Lào, Việt Nam còn mua điện từ Trung Quốc qua đường dây 110 kV.

Phương Dung

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020