Chuyên mục  


Diễn biến vụ Ấn Độ và Pakistan bắn rơi tiêm kích của nhau

Diễn biến vụ Ấn Độ và Pakistan bắn rơi tiêm kích của nhau. Video: Next Media.

Kênh truyền hình NDTV của Ấn Độ hôm 28/2 công bố thông tin về trận không chiến dữ dội trên bầu trời khu vực tranh chấp Kashmir, với sự tham gia của 8 tiêm kích Ấn Độ và 24 chiến đấu cơ Pakistan trước đó hai ngày. Đây được coi là trận đánh lớn nhất giữa không quân hai nước kể từ năm 1971.

Truyền thông Ấn Độ cho biết tiêm kích MiG-21 nước này đã hạ một chiến đấu cơ F-16 Pakistan trước khi bị bắn rơi. Thông tin này vẫn khiến nhiều chuyên gia quân sự hoài nghi, nhưng giới phân tích cho rằng biến thể MiG-21 Ấn Độ có nhiều tính năng hiện đại, cho phép nó đạt uy lực tác chiến không thua kém những chiếc F-16 hiện đại của Pakistan, theo Military Watch.

Tiêm kích MiG-21 được biên chế cho không quân Liên Xô vào năm 1959 và xuất khẩu sang Ấn Độ năm 1963. Trong khi đó, chiến đấu cơ F-16 thuộc dòng tiêm kích thế hệ 4 hiện đại được Mỹ sử dụng từ năm 1978, những chiếc đầu tiên của không quân Pakistan được bàn giao vào giữa thập niên 2000.

Dù đã ra đời cách đây 60 năm, dòng MiG-21 liên tục được hiện đại hóa sâu, trong đó biến thể MiG-21bis của Ấn Độ được đánh giá là hiện đại nhất thế giới. Phiên bản này được trang bị nhiều thiết bị hiện đại, nổi bật là radar Phazotron Kopyo với khả năng bám bắt đồng thời 10 mục tiêu từ khoảng cách 45 km, dẫn bắn tên lửa tới hai mục tiêu cùng lúc. Thiết bị này có tính năng vượt xa radar RP-21 "Sapfir" và SRD-5M "Kvantum" trên những bản MiG-21 cũ hơn, cho phép MiG-21bis sở hữu khả năng tấn công mục tiêu ngoài tầm nhìn thị giác (BVR).

Phi công cũng được trang bị kính ngắm gắn trên mũ (HMS), hệ thống màn hình hiển thị đa năng và tổ hợp đường truyền dữ liệu chiến thuật thường chỉ xuất hiện trên tiêm kích thế hệ 4 và 5 tối tân. Khi kết hợp với những vũ khí uy lực như tên lửa tầm trung mang đầu dò radar chủ động R-77 và tên lửa đối không tầm ngắn R-73, tiêm kích MiG-21bis Ấn Độ có sức chiến đấu không thua kém những chiến đấu cơ thế hệ 4 như F-16.

Tiêm kích MiG-21bis Ấn Độ tại triển lãm Aero India 2019. Ảnh: Marina Lystseva.

Điểm mạnh khác của biến thể MiG-21bis là hệ thống gây nhiễu EL/L8222 do Israel chế tạo, khiến nó khó bị radar đối phương phát hiện và khóa mục tiêu từ xa. Dòng MiG-21bis vốn có khả năng BVR kém hơn những chiếc F-16 Pakistan, khiến hệ thống EL/L8222 trở thành khí tài tối quan trọng, cho phép máy bay Ấn Độ tiếp cận đối phương và cân bằng lợi thế.

Phi công Ấn Độ từng áp dụng chiến thuật này trong đợt tập trận với tiêm kích F-15C Mỹ và khiến cho các phi công Mỹ rất ngạc nhiên bởi sự hiệu quả của nó.

"Hệ thống điện tử và vũ khí hiện đại cho phép tiêm kích MiG-21bis Ấn Độ duy trì lợi thế nhất định trước các chiến đấu cơ hiện đại của Pakistan. Nếu kết hợp với chiến thuật hợp lý và phi công có trình độ cao, không có gì bất ngờ nếu những chiếc MiG-21 này có thể bắn hạ tiêm kích F-16 trong chiến đấu", Igor Korotchenko, tổng biên tập tạp chí National Defense của Nga, nhận xét.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020