Chuyên mục  


Hồ sơ Pandora do Hiệp hội các Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố đã chỉ ra khối tài sản khổng lồ được che giấu tại các công ty offshore (ngoại biên) của hơn 100 tỷ phú, 330 chính trị gia cùng nhiều người nổi tiếng ở các quốc gia khắp thế giới.

Tuy nhiên, những tỷ phú siêu giàu của Mỹ như Jeff Bezos, Elon Musk, Bill Gates và Warren Buffett không có tên trong Hồ sơ Pandora. Các chuyên gia tài chính trong cuộc phỏng vấn với Washington Post cho rằng giới siêu giàu Mỹ đang phải nộp thuế trong nước rất thấp, tới mức họ không cần tới các "thiên đường thuế" ở nước ngoài.

Theo một cuộc điều tra được tổ chức truyền thông phi lợi nhuận ProPublica công bố hồi tháng 6, 25 người giàu nhất nước Mỹ, trong đó có Bezos, Buffett và Musk chỉ phải trả "mức thuế thực sự" là 3,4% trong giai đoạn 2014-2018. Bezos được cho là đã đóng thuế 0,98%, trong khi con số này của Buffet và Musk lần lượt là 0,1% và 3,27%.

anh-cat-collage-2708-1633339295.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=W4w3R25VL4xPW5ri5Ye4GQ

Tỷ phú Jeff Bezos (trái) và Elon Musk. Ảnh: Reuters.

Mức thuế thực Bill Gates nộp không rõ, song trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2018 với CNN, ông thừa nhận cần phải đóng thuế nhiều hơn. "Tôi cần phải trả thuế nhiều hơn. Tôi đóng thuế hơn 10 tỷ USD, nhiều hơn bất cứ ai, nhưng chính phủ nên yêu cầu những người như tôi nộp thuế cao hơn", Gates khi đó chia sẻ.

Các chuyên gia tài chính còn đưa ra giả thuyết nữa về việc các tỷ phú Mỹ không xuất hiện trong Hồ sơ Pandora là do họ sử dụng các thiên đường thuế khác, vốn không được nêu trong hồ sơ này. Hồ sơ Pandora chỉ bao gồm các tài liệu của 14 hãng dịch vụ tài chính offshore đang hoạt động ở Thụy Sĩ, Singapore, đảo Cyprus, Belize, quần đảo Virgin...

Các chuyên gia nhận định vụ rò rỉ Hồ sơ Pandora sẽ gây lo ngại khi việc che giấu tài sản có thể làm trầm trọng thêm chênh lệch giàu nghèo và các loại tội phạm như buôn bán ma túy, tấn công mã độc tống tiền và buôn bán vũ khí.

Việc sở hữu tài sản bí mật ở nước ngoài không phải bất hợp pháp, nhưng sử dụng mạng lưới phức tạp gồm các công ty bí mật để chuyển tiền và tài sản được coi là phương thức "rửa tiền" hoàn hảo. Nhiều chính trị gia từng bị lộ chuyện trốn thuế hoặc che giấu tài sản, đặc biệt sau các vụ rò rỉ gây chấn động trước đó, như Hồ sơ Panama năm 2016.

Hàng loạt chính trị gia, quan chức đã phải từ chức vì Hồ sơ Panama, trong đó có thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson, bộ trưởng công nghiệp Tây Ban Nha Jose Manuel Soria hay người đứng đầu của Văn phòng Minh bạch Quốc tế Chile.

Ngọc Ánh (Theo WashingtonPost)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020