Chuyên mục  


Sau khi nhà sáng lập kiêm CEO ứng dụng nhắn tin Telegram Pavel Durov bị bắt ở Pháp ngày 24/8, hàng loạt kênh quân sự ủng hộ Nga đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ lộ lọt thông tin nhạy cảm, đặc biệt là những cuộc trao đổi liên quan đến chiến sự Ukraine.

Kể từ khi chiến sự Ukraine bùng phát, Telegram đã trở thành một kênh được các mạng lưới quân sự Nga và cả Ukraine sử dụng rộng rãi để truyền tải thông tin, thậm chí là liên lạc với nhau trên chiến trường, do ứng dụng này hoạt động ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan tình báo phương Tây.

Pavel Durov trong một cuộc phỏng vấn với CNN hồi năm 2016. Ảnh: CNN

Nhưng trong 24 giờ qua, một số quan chức, nghị sĩ Nga đã khuyến cáo binh sĩ nước này ngừng sử dụng Telegram. Các kênh quân sự thân Điện Kremlin cũng cảnh báo cần cẩn trọng khi dùng ứng dụng, thậm chí một số người cân nhắc xóa tài khoản.

"Telegram đang là nền tảng liên lạc quan trọng trong quân đội Nga. Từ giờ trở đi, mọi thứ đều có thể bị đe dọa", blogger quân sự Alexei Sukonkin nói. Margarita Simonyan, tổng biên tập hãng tin RT của Nga, đã kêu gọi người dùng xóa toàn bộ các tin nhắn nhạy cảm.

Những người khác bắt đầu lo ngại về tác động thực tế của vụ bắt. "Quân đội Nga sẽ trở nên dễ bị tổn thương, khi không còn các công cụ liên lạc hiệu quả, đặc biệt là trong trường CEO Durov giao chìa khóa Telegram cho phương Tây, điều chỉ còn là vấn đề thời gian", blogger Roman Alekhine, viết.

"Cảnh sát Pháp bắt nhà quản lý công cụ thông tin quan trọng của lực lượng Nga. Họ đang tước đi công cụ trọng yếu của quân đội", Rybar, kênh Telegram thân với Bộ Quốc phòng Nga có hơn ba triệu người theo dõi, cho biết.

Trên Telegram đã xuất hiện một số bức ảnh lính Nga viết dòng chữ "Vì Durov" lên đạn pháo, rocket sử dụng ở Ukraine. Một số kênh còn bán áo in dòng #FreeDurov (Trả tự do cho Durov).

Dòng chữ "Vì Durov" viết trên đạn rocket ở chiến trường Ukraine. Ảnh: Telegram/Alexei Sukokin

CEO Telegram Pavel Durov bị bắt tại sân bay Paris-Le Bourget, ngoại ô thủ đô Paris của Pháp, tối 24/8 sau khi đến đây từ Azerbaijan bằng máy bay riêng, theo lệnh bắt trong khuôn khổ một cuộc điều tra sơ bộ của cảnh sát Pháp. Paris chưa công bố cáo buộc chính thức với Durov.

Nhiều quan chức, nghị sĩ Nga lên tiếng ủng hộ CEO Telegram, nói rằng ông bị Pháp bắt vì "mục đích chính trị" của phương Tây.

Đại sứ quán Nga tại Pháp ngày 25/8 đã yêu cầu được tiếp xúc lãnh sự với Durov và kêu gọi Paris giải thích lý do bắt CEO Telegram. "Tới nay, phía Pháp vẫn từ chối hợp tác về vấn đề này", đại sứ quán Nga cho hay.

Durov, 39 tuổi, sinh ra tại thành phố Saint Petersburg của Nga, có quốc tịch Nga, Pháp, UAE, Saint Kitts và Nevis (quốc gia vùng Caribe). Ông sáng lập Telegram vào năm 2013, đặt trụ sở tại Dubai.

Telegram có hơn 900 triệu người sử dụng, nổi tiếng về mã hóa đầu cuối (chỉ những người liên lạc với nhau có thể đọc được tin nhắn) và cam kết bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Sự tập trung vào bảo mật đã khiến Telegram trở thành nền tảng được người dùng ưu tiên quyền riêng tư ưa thích, nhưng tính năng này cũng khiến nó trở nên hấp dẫn đối với các tổ chức tội phạm và các nhóm cực đoan.

Trước khi bị bắt, Durov cho hay một số chính phủ đã tìm cách gây sức ép với ông, nhưng khẳng định ứng dụng Telegram vẫn sẽ duy trì là "nền tảng trung lập" chứ không phải "công cụ địa chính trị".

Đức Trung (Theo Le Monde, AFP, Reuters, TASS)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020