Thế hệ X, hay còn gọi là Gen X, bắt đầu sự nghiệp vào thời điểm bước ngoặt trong phong cách làm việc của người Mỹ. Các công ty chuyển từ chế độ lương hưu theo thâm niên sang quỹ hưu trí 401(k), đặt tương lai hưu trí vào tay của chính người lao động.
Quỹ hưu trí 401(k) là kế hoạch tiết kiệm hưu trí tại Mỹ, đặt tên theo mục 401(k) của Luật thuế thu nhập nội địa năm 1978. Chương trình cho phép người lao động đóng góp một phần thu nhập trước khi tính thuế vào quỹ 401(k), giúp giảm phần thu nhập phải thuế trong năm đóng góp.
Quỹ 401(k) có thể do tư nhân hoặc nhà nước quản lý, số tiền quỹ được sử dụng để tiết kiệm hoặc đầu tư vào các loại tài sản như chứng khoán, trái phiếu, theo sự lựa chọn của người lao động. Lợi nhuận từ các khoản này không bị tính thuế cho tới khi người tham gia rút tiền từ tài khoản.
Ưu điểm của 401(k) là tiết kiệm tiền đóng thuế và khả năng tích lũy lợi nhuận không chịu thuế trong thời gian dài. Hạn chế là người tham gia có thể bị thiệt nếu rút tiền trước thời hạn.
Một bộ phận Gen X, những người sinh ra trong thời gian 1965-1980, bị ảnh hưởng nặng nề trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, lúc họ đang trong độ tuổi lao động vàng. Một số người vẫn đang gánh nợ từ thời sinh viên. Con cái họ có xu hướng sống chung với bố mẹ dù đã trưởng thành, trong khi cha mẹ cao tuổi cần họ chăm sóc. Rất ít người cho rằng có thể sống hết đời dựa vào trợ cấp an sinh xã hội.
David Bryan, 55 tuổi, lái xe buýt ở Georgia. Ảnh: Washington Post
Tài chính cá nhân của Gen X kém hơn nhiều so với Thế hệ Baby boomer, những người sinh ra trong thời kỳ 1946-1964. Giá trị tài sản ròng trung bình của hộ gia đình Gen X trong độ tuổi 45-54 là 250.000 USD năm 2022, thấp hơn 7% so với Thế hệ Baby boomer cùng độ tuổi năm 2007, theo dữ liệu đã điều chỉnh theo lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Đây cũng là nhóm tuổi duy nhất có mức tài sản trung bình giảm trong giai đoạn 15 năm.
David Bryan, 55 tuổi, sống ở thành phố Tybee Island, bang Georgia và kiếm được khoảng 35.000 USD mỗi năm nhờ nghề lái xe buýt trường học. Ông không có nhà riêng, sở hữu khoản tiết kiệm hưu trí khoảng 100.000 USD nhờ công việc nhân viên soát vé đường sắt và nghiên cứu viên một quỹ của trường đại học trước đây.
Cuộc sống của ông khác với cha mẹ, những người làm việc hàng chục năm trong ngành cảnh sát và bưu điện rồi nghỉ hưu, tháng nào cũng nhận lương hưu đều đặn.
"Giờ tôi phải tiếp tục làm việc cho đến khi nào sức khỏe còn cho phép", Bryan nói.
Khoảng 65 triệu người Mỹ thuộc Thế hệ X, đôi khi bị gọi là "thế hệ bị lãng quên", kẹp giữa Thế hệ Baby boomer và Thế hệ thiên niên kỷ. Họ cũng được gọi là "thế hệ đeo chìa khóa", bởi thường xuyên tự về nhà một mình sau khi tan trường. Trong một báo cáo gần đây, tập đoàn tài chính Goldman Sachs đã gọi Thế hệ X là thế hệ thử nghiệm 401(k).
Thời trước, doanh nghiệp thường hỗ trợ người lao động trung thành khi đến tuổi nghỉ hưu thông qua chế độ lương hưu truyền thống kèm các khoản phúc lợi trọn đời. Sự ra đời của hệ thống 401(k) đẩy trách nhiệm đảm bảo lương hưu sang cho cá nhân và Thế hệ X bị cuốn vào quá trình chuyển đổi này.
"Gen X là thế hệ đầu tiên được kỳ vọng sẽ tự vạch ra kế hoạch nghỉ hưu cho mình", Jeremy Horpedahl, giáo sư kinh tế đại học Central Arkansas kiêm giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế Arkansas, nói.
Những người đầu tiên ủng hộ 401(k) có lẽ không ngờ chương trình sẽ được áp dụng phổ biến như hiện nay. Đến giữa những năm 1980, số lượng người tham gia vào các chương trình tiết kiệm hưu trí như 401(k) đã vượt qua số người tham gia các chương trình khác như lương hưu truyền thống trong khu vực tư nhân. Hiện nay rất hiếm người làm trong khu vực tư nhân nhận lương hưu truyền thống.
Thời điểm Thế hệ X gia nhập lực lượng lao động, 401(k) mới được đưa ra. Các điều khoản như tự động tăng mức đóng góp hàng năm rất lâu sau mới phổ biến.
John Kotrides, 54 tuổi, sống gần Charlotte, Bắc Carolina, bắt đầu đóng quỹ hưu trí 401(k) từ khi vào làm việc trong ngành ngân hàng 30 năm trước. Nhưng mỗi khi chuyển công ty, ông lại phải rút bớt tiền trong quỹ để trang trải gấp cho khoản nào đó, như sửa nhà hoặc chuyển nhà. Điều này khiến kế hoạch nghỉ hưu ngày càng trở nên xa vời với ông.
"Bạn không còn thuộc thế hệ làm việc cho một công ty từ đầu cho đến khi nghỉ hưu", ông nói. "Khi được giới thiệu 401(k), tôi đã cho rằng đây không phải chương trình có lợi".
Kotrides cho hay không có nhiều tài sản cho tuổi hưu, ngoài ngôi nhà nơi ông đang sống cùng vợ và hai con gái, một bé 12 tuổi và chị lớn 20 tuổi. Sau khi nghỉ việc ngân hàng trong thời kỳ đại dịch, bây giờ ông làm nhân viên pha chế bán thời gian và kiếm tiền chủ yếu vào dựng những video hoài niệm về thập niên 1970-1980. Ông thích dành nhiều thời gian hơn cho gia đình.
"Kế hoạch nghỉ hưu của tôi là thế đấy", ông nói. "Tôi thực sự nghĩ mình cần tiếp tục làm việc để nuôi gia đình chừng nào còn phải chu cấp cho con".
Ngay cả những người hưởng lợi từ quỹ lương hưu 401(k) cũng nhận định quá trình tích lũy không dễ dàng.
Scott Zibel, 56 tuổi, ở Leominster, bang Massachusetts, bắt đầu gửi tiền vào tài khoản hưu trí 401(k) từ khi bắt đầu làm việc trong cửa hàng tạp hóa năm 15 tuổi. Bố ông khuyến khích con trai đóng góp vào quỹ. Tài khoản tăng lên khi ông tiếp tục làm việc trong cửa hàng suốt những năm đại học và sau này trở thành quản lý. Ngoài 30 tuổi, Zibel làm giáo viên tiếng Anh và kỳ vọng nhận lương hưu sau khi nghỉ hưu.
Khi thị trường chứng khoán sập năm 2020 lúc đại dịch bùng phát, vợ ông đã rút tiền trong quỹ 401(k) để đầu tư vào quỹ thị trường tiền tệ. Bây giờ họ phải tái đầu tư số tiền này, nhưng bỏ nhiều tiền vào trái phiếu hơn so với trước.
"Tôi biết ơn quỹ 401(k) nhưng cũng không có gì đảm bảo", ông nói, ước tính quỹ hưu trí của gia đình chỉ hơn một triệu USD.
Zibel cảm thấy đã sẵn sàng nghỉ hưu nhưng vẫn phải sống tiết kiệm. Ông không đổi xe suốt 12 năm và tránh được các khoản chi tiêu tốn kém như mua thảm mới cho ngôi nhà 30 năm tuổi.
"Vợ chồng tôi đã lên rất nhiều kế hoạch cho tương lai bằng số tiền này nên cuộc sống hiện tại tương đối khó khăn", ông nói.
Đối với một số người Thế hệ X, khủng hoảng tài chính năm 2008 là cú đòn giáng mạnh mà phải mất nhiều năm mới khôi phục được. Năm 2007, Darling Diva Moore đang ở đỉnh cao sự nghiệp với tư cách là đối tác quản lý cho một công ty xác minh quyền sở hữu tài sản thực ở West Palm Beach, Florida.
Khi khủng hoảng ập tới, thị trường nhà ở sụp đổ, công ty của bà phá sản. Moore không trả nổi tiền thuê nhà và phải ngủ nhờ nhà bạn trai, đôi khi ngủ trên bãi biển hoặc trong ôtô.
"Cuộc đại suy thoái đã thay đổi mọi thứ với chúng tôi", Moore, hiện 57 tuổi, nói. "Sau này, tôi không biết còn bao nhiêu người thuộc Thế hệ X tin tưởng vào hệ thống quỹ hưu trí nữa".
Sau khi định cư ở Denver, phải mất hai năm Moore mới tìm được việc làm mới. Bà đi học tiếp, lấy bằng cử nhân quản lý kinh doanh và thạc sĩ về quan hệ con người, phát triển tổ chức, bằng hình thức học trực tuyến. Bây giờ Moore kinh doanh độc lập với tư cách cố vấn hướng nghiệp.
Chỉ còn vài năm nữa là bước sang tuổi 60, Moore đang cố tìm lại số tiền đã đóng góp vào nhiều chương trình 401(k) từ nhiều công việc làm thời trẻ. Mỗi khi chuyển việc, bà đều không chuyển số dư vào chung một quỹ 401(k), nên các tài khoản hưu trí nhỏ nằm rải rác khắp nơi.
"Vào những năm 90, họ không tạo điều kiện dễ dàng để tìm ra số tiền đó đang nằm ở đâu", bà nói.
Moore cũng đang phải trả khoản nợ từ thời sinh viên. Số nợ từ 27.000 USD đã tăng lên gần 90.000 USD do lãi mẹ đẻ lãi con. Theo dữ liệu của FED, hơn 25% hộ gia đình có cha mẹ thuộc Thế hệ X trong độ tuổi 45-54 ở Mỹ đã vay tiền đóng học năm 2022, so với 15% hộ gia đình có cha mẹ thuộc Thế hệ Baby boomer cùng độ tuổi vào năm 2007.
Chi phí học hành tăng cao, tiền thuê nhà tăng cao, áp lực lạm phát đối với Thế hệ Z cũng là vấn đề của Thế hệ X. Nhiều người thuộc Thế hệ X đã chi hàng chục nghìn USD để con cái vào đại học. Nhiều thanh niên Thế hệ X cũng sống chung với bố mẹ hoặc dựa vào bố mẹ hỗ trợ tài chính cho tới khi trưởng thành.
Cậu con trai 21 tuổi của Pamela Likos sống cùng mẹ ở vùng ngoại ô Madison, Wisconsin, trong khi một con trai và con gái khác đang học đại học.
"Con cái tôi vẫn chưa đủ trưởng thành để bay đi", Likos nói.
Một bộ phận Thế hệ X đồng thời phải chăm sóc cha mẹ già, những người sống lâu hơn thế hệ trước. Likos không phải chăm sóc cha mẹ, nhưng mẹ kế của bà mắc chứng Alzheimer và bố của bà đều đã ngoài 80 tuổi.
"Tôi cần cha mẹ tiếp tục sống khỏe mạnh thêm 10 năm nữa vì chúng tôi thực sự chưa sẵn sàng giúp đỡ tài chính cho ông bà", bà nói.
Pamela Likos và gia đình. Ảnh: Washington Post
Likos, 54 tuổi, là người đầu tiên trong gia đình lên đại học nhưng đã không đi làm suốt 20 năm sau khi lấy chồng và trở thành bà nội trợ toàn thời gian. Sau khi ly hôn 7 năm trước, bà nhận ra mình không có tiền tiết kiệm, cũng không có kinh nghiệm để đi xin việc. Bà đã học lấy giấy phép hành nghề thẩm mỹ được vài năm và bây giờ đã lấy chồng mới.
Sau khi ly hôn chồng trước, Likos nhận được một nửa số tiền từ quỹ hưu trí của chồng và số tiền này chiếm phần lớn trong khoản dành cho tuổi nghỉ hưu của bà.
Những người ít tuổi nhất của Thế hệ X đang ở độ tuổi giữa 40, có nhiều thời gian hơn để tích lũy tiền tiết kiệm trước khi đến tuổi hưu. Tyler Bond, giám đốc nghiên cứu tại Viện An ninh Hưu trí Quốc gia, tự hỏi liệu những người nhiều tuổi nhất và ít tuổi nhất thuộc Thế hệ X có trải nghiệm khác nhau về kế hoạch nghỉ hưu hay không.
"Những người lớn tuổi đơn giản là không có thời gian", ông nói.
Avery Nesbitt, 44 tuổi, giám đốc điều hành ở khu vực Atlanta, không chờ đến tuổi nghỉ hưu mới đi nghỉ mát hay mua ôtô mới vì muốn tận hưởng ngay lúc này. Ông cũng không kỳ vọng có thể tiết kiệm được một khoản kha khá cho cuộc sống tuổi già. Covid-19 đã dạy cho ông bài học là cuộc sống vô thường.
Nesbitt và vợ đóng góp khiêm tốn vào các khoản hưu trí do bên chủ sử dụng lao động tài trợ nhưng cảm nhận họ không đủ khả năng để tiết kiệm nhiều hơn. Họ có nhà riêng, sống cùng hai con. Phần lớn tài sản của họ nằm ở ngôi nhà. Nesbitt để tiền nhiều hơn vào hợp đồng bảo hiểm nhân thọ so với tài khoản hưu trí.
"Tôi cho rằng mình sẽ làm việc tới chết", ông nói. "Đây là thực tế".
Hồng Hạnh (Theo WSJ)