Chuyên mục  


"Chúng tôi không đặt biệt danh cho chiếc xe tăng này, song đôi khi vẫn gọi nó là 'em bé'", Oleksandr, trưởng xe thuộc Lữ đoàn Xung kích Đường không số 82 Ukraine, đơn vị vận hành xe tăng Challenger 2 và đang tham chiến ở mặt trận Kursk, cho biết trong cuộc phỏng vấn công bố tuần trước.

Các kíp xe thuộc Lữ đoàn 82 đều khẳng định xe tăng Challenger 2 đã thể hiện "hiệu suất chiến ấn tượng" và khiến họ ngưỡng mộ.

Chỉ huy Oleksandr trong bức ảnh đăng ngày 21/11. Ảnh: ArmyInform

Oleksandr cho biết một trong những điểm mạnh của Challenger 2 là hỏa lực chính xác. Nó được trang bị pháo chính cỡ nòng 120 mm có rãnh khương tuyến và hệ thống điều khiển hỏa lực tinh vi, có thể tự hiệu chỉnh đường đạn dựa theo các yếu tố như tốc độ gió và độ ẩm không khí.

"Hệ thống máy tính cho phép tập kích chính xác mục tiêu ở khoảng cách tối đa 10 km. Nó hoạt động như là lính bắn tỉa vậy", Oleksandr nhận xét.

Stanislav, lính nạp đạn, cũng ca ngợi hệ thống điều khiển hỏa lực của Challenger 2. "Giả sử hai xe tăng đối phương cùng xuất hiện ở cách xa 1,8 và 2,3 km. Cụm đo xa laser sẽ tính toán khoảng cách đến hai xe tăng và lưu dữ liệu trong máy tính. Pháo thủ chỉ cần nhấn một nút để chuyển đổi giữa hai mục tiêu, tùy thuộc quyết định giao chiến của trưởng xe", Stanislav cho biết.

Các xe tăng do Liên Xô sản xuất và được Ukraine biên chế, như dòng T-64 và T-80, sử dụng hệ thống nạp đạn tự động và cần ít người vận hành hơn, trong khi dòng Challenger 2 vẫn dùng phương pháp nạp đạn thủ công. Tuy nhiên, Stanislav nhấn mạnh đây không phải nhiệm vụ khó khăn.

"Không có gì phức tạp cả. Sau phát đạn đầu tiên, mọi thứ đều diễn ra tự động. Bạn chỉ cần nạp viên đạn tiếp theo", quân nhân Ukraine cho hay.

Xe tăng Challenger 2 của Lữ đoàn 82 Ukraine trong bức ảnh đăng ngày 21/11. Ảnh: ArmyInform

Xe tăng do NATO viện trợ như Challenger 2 luôn là mục tiêu hàng đầu của lực lượng Nga trên chiến trường, buộc kíp lái liên tục di chuyển để sống sót.

Oleksandr và Stanislav ca ngợi khả năng bảo vệ của xe tăng Challenger 2. "Một xe từng sống sót sau khi trúng quả đạn nổ mạnh trong loạt rocket của trực thăng Nga. Đầu đạn xuyên sâu tới 720 mm song kíp lái bên trong vẫn an toàn, xe tăng vẫn có thể di chuyển và hoàn thành nhiệm vụ", trưởng xe Ukraine nhớ lại.

Oleksandr thêm rằng chiếc Challenger 2 bị hỏng nặng nhưng vẫn lết về địa điểm an toàn, được sửa chữa và trở lại chiến đấu sau đó.

Dù vậy, các binh sĩ Ukraine thừa nhận xe tăng Challenger 2 vẫn có nhược điểm. Một người cho biết động cơ 1.200 mã lực của nó rất mạnh mẽ và đáng tin cậy, nhưng đòi hỏi phải bảo dưỡng thường xuyên để bảo đảm khả năng hoạt động ở mức tối ưu.

Họ không đề cập tới một trong những điểm yếu nguy hiểm nhất của Challenger 2, đó là pháo dùng đầu đạn và liều phóng tách rời, phần lớn nằm ở khoang chứa trong thân. Nếu đầu đạn xuyên giáp của đối phương đánh trúng vị trí này, các đầu đạn và liều phóng sẽ phát nổ dữ dội, dẫn đến hiện tượng "nổ bay tháp pháo".

xe-tang-challenger-2-co-the-da-tham-chien-tai-tinh-kursk-1723782996.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Zl84MnOz7ecOu0lNKpXPsA
Xe tăng Challenger 2 có thể đã tham chiến tại tỉnh Kursk

Xe tăng Challenger 2 Ukraine bị UAV Lancet tập kích tại tỉnh Kursk hồi tháng 8. Video: BQP Nga

Truyền hình Nga hồi tháng 10 công bố hình ảnh ở tỉnh Kursk, cho thấy tháp pháo xe tăng Challenger 2 văng xa khỏi thân xe. Phần nóc và phía sau tháp pháo cũng bị xé toạc, chỉ còn lại mặt trước, cụm nòng pháo và một phần sườn bộ phận này.

Xe tăng Challenger 2 đầu tiên bị phá hủy tại Ukraine cuối tháng 9/2023 cũng gặp tình trạng tương tự, khi tháp pháo bị đẩy ra khỏi bệ quay trên thân xe.

Oleksandr cũng chia sẻ trải nghiệm cá nhân đối với mẫu M1A1SA Abrams do Mỹ viện trợ, nhận định nó kém tiện nghi hơn các mẫu xe tăng khác và gây cảm giác gò bó. "Tôi từng ngồi trong xe tăng Abrams. Tôi không thích vì nó nhỏ hơn nhiều. Khi quan sát ghế của lái xe và pháo thủ, tôi nhận thấy mình sẽ không có đủ không gian hoạt động", trưởng xe Ukraine cho hay.

Xe tăng Abrams từng nhận những đánh giá trái chiều từ lính Ukraine, đặc biệt là những người trực tiếp vận hành chúng trên chiến trường. Một số bày tỏ quan ngại về vỏ giáp, cho rằng nó không đủ khả năng chống chịu các vũ khí hiện đại.

Các binh sĩ Ukraine tham gia khóa huấn luyện lái Abrams ở Đức hồi đầu năm cho biết mẫu xe tăng này đôi khi bắn trượt mục tiêu. Họ cũng nêu một số vấn đề kỹ thuật, làm dấy lên lo ngại về hiệu quả thực chiến của dòng xe tăng chủ lực do Mỹ sản xuất.

Tướng về hưu Mark Hertling, cựu tư lệnh lục quân Mỹ tại châu Âu, khẳng định một số vấn đề mà binh sĩ Ukraine nêu ra, trong đó có hơi nước ngưng tụ làm hỏng thiết bị, mang tính chất phóng đại và gây hiểu lầm.

Xe tăng Abrams Ukraine lắp giáp lồng và giáp phản ứng nổ. Ảnh: BQP Ukraine

Anh viện trợ tổng cộng 14 xe tăng Challenger 2 cho Ukraine, tất cả được biên chế cho Lữ đoàn 82 từ tháng 3/2023. Xe đầu tiên bị bắn cháy gần làng chiến lược Rabotino ở tỉnh Zaporizhzhia hồi tháng 9/2023, đánh dấu lần đầu mẫu xe tăng này bị đối phương phá hủy hoàn toàn kể từ khi được Anh đưa vào biên chế.

Quân đội Ukraine sau đó rút Challenger 2 về tuyến sau và sử dụng nó như ổ hỏa lực di động, tránh đụng độ trực tiếp với tên lửa dẫn đường và thiết bị bay không người lái góc nhìn thứ nhất (drone FPV) của Nga. Các binh sĩ Ukraine hồi tháng 3 tiết lộ chỉ 7 chiếc Challenger 2 còn khả năng chiến đấu, số còn lại dùng để huấn luyện ở hậu phương hoặc bị bắn hỏng và không có phụ tùng thay thế.

Một xe Challenger 2 bị nổ bay tháp pháo do trúng đòn của máy bay không người lái (UAV) tự sát Lancet ở Kursk hồi tháng 8. Truyền thông Nga hôm 14/11 cũng công bố video từ drone FPV tập kích chiếc Challenger 2 đang ẩn nấp tại Kursk, cho thấy phi cơ lao trúng phần nóc vị trí lái xe và nhiều khả năng đã vô hiệu hóa mục tiêu.

Phạm Giang (Theo ArmyInform, Eurasian Times)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020