"Greenland là của chúng tôi, không phải thứ đem ra bán và không bao giờ bị bán. Chúng tôi sẽ không để thua trong cuộc đấu tranh lâu dài cho tự do", ông Mute Egede, lãnh đạo đảo Greenland, lãnh thổ tự trị thuộc Đan Mạch, cho biết ngày 23/12.
Tuyên bố được ông Egede đưa ra sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ cần sở hữu Greenland "vì an ninh quốc gia và hòa bình thế giới". "Việc Mỹ sở hữu và kiểm soát Greenland là yêu cầu cấp bách", ông Trump viết trong thông báo về việc đề cử doanh nhân Ken Howery làm đại sứ Mỹ tại Đan Mạch.
Lãnh đạo Greenland Mute Egede tại Nuuk hôm 15/3. Ảnh: Reuters
Nghị sĩ Đan Mạch từ đảng Bảo thủ đối lập Rasmus Jarlov cùng ngày cũng nói chính phủ nước này phải thể hiện rõ quan điểm rằng kiểm soát đảo Greenland không phải chuyện có thể mang ra thảo luận hay đàm phán.
"Cần phải ngăn cản bất cứ hoạt động nào của Mỹ nhằm kiểm soát lãnh thổ thuộc Đan Mạch", ông Jarlov nói.
Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump cũng từng nhiều lần đề cập ý tưởng mua lại Greenland, hòn đảo lớn nhất thế giới. Ông nghiêm túc bình luận về viễn cảnh này vào năm 2019, cho rằng chính phủ Đan Mạch cũng muốn "chốt kèo bất động sản đắt giá" với Mỹ để giảm gánh nặng ngân sách. Điều này đã châm ngòi căng thẳng ngoại giao giữa Washington và Copenhagen.
Thủ phủ Nuuk của đảo Greenland gần với New York, Mỹ, hơn là thủ đô Copenhagen của Đan Mạch. Hòn đảo có trữ lượng khoáng sản, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên dồi dào, nhưng nền kinh tế ở Greenland hiện phụ thuộc chủ yếu vào nghề cá cũng như trợ cấp hàng năm từ chính phủ Đan Mạch.
Mỹ có căn cứ phòng thủ tên lửa Pituffik ở phía tây Greenland nên hòn đảo có tầm quan trọng chiến lược với quân đội cũng như hệ thống cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo của Mỹ.
Vị trí đảo Greenland. Đồ họa: Britannica
Khi ông Trump đề cập việc mua Greenland trong nhiệm kỳ đầu tiên, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã tuyên bố không bao giờ bán hòn đảo và chỉ trích ông Trump "vô lý".
Ông Trump chưa nhậm chức tổng thống Mỹ nhưng gần đây đã gây xôn xao về các vấn đề quốc tế. Tổng thống đắc cử Mỹ trước đó chỉ trích Panama tính phí sử dụng kênh đào quá cao, cảnh báo có thể yêu cầu nước này giao lại quyền quản lý, khiến Tổng thống Panama Jose Raul Mulino bất bình. Ông Trump còn nhiều lần trêu đùa Canada là "bang thứ 51" của Mỹ và gọi Thủ tướng Trudeau là "thống đốc".
Ngọc Ánh (Theo Reuters, AP)