Chuyên mục  


vinfast-nha-may-san-xuat04-read-only-1735698685746314131401.jpg

Nhà máy sản xuất ô tô VinFast tại Hải Phòng - Ảnh: NAM TRẦN

04a2df4ba4f619a840e7-read-only-17356986857221039658183.jpg

Ông VŨ TÚ THÀNH

Ông VŨ TÚ THÀNH, phó giám đốc điều hành Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN, người tổ chức đưa đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ ngành hàng không vũ trụ, quốc phòng và an ninh thăm Việt Nam - đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về mục tiêu tăng trưởng hai con số của Việt Nam trong những năm tới.

Ông Thành nói: Cũng giống như doanh nghiệp, quản trị nhà nước cũng cần được tái cấu trúc. Đó không chỉ đơn thuần cắt giảm nhân sự, giảm chi thường xuyên mà quan trọng là tổ chức lại bộ máy quản lý nhà nước cho phù hợp cấu trúc nền kinh tế mới với những mô hình kinh doanh, công nghệ mới. Chúng tôi tin ít nhất từ góc độ lý thuyết, chúng ta có cơ sở để tin tưởng tăng trưởng hai con số từ năm 2025 là khả thi.

Tăng trưởng 2 con số là khả thi

* Nhiều chuyên gia kỳ vọng việc tinh gọn bộ máy sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Dù ngân sách không quá dư nhưng không giải ngân được trong thời gian qua do nhiều nguyên nhân. Một trong số đó là tổ chức bộ máy hiện nay lạc hậu, không thể dùng làm công cụ thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Thế nên việc tinh gọn cải tổ có thể thúc đẩy giải ngân đầu tư công, nâng cao hiệu quả đồng vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Thứ hai là khu vực sản xuất cho cả thị trường xuất khẩu và trong nước. Kênh xuất khẩu có rủi ro là chính quyền Trump có thể áp thuế cao hàng từ Việt Nam vào Hoa Kỳ nhưng có cơ hội để chúng ta hóa giải hoặc làm nhẹ tác động từ chính sách này. Kết hợp với xu hướng mở rộng sản xuất ở Việt Nam từ các doanh nghiệp nước ngoài sẽ tiếp tục. Vì thế, khu vực sản xuất trong nước sẽ tiếp tục mở rộng cho thị trường xuất khẩu.

Về sản xuất phục vụ thị trường trong nước gắn với tiêu dùng nội địa sẽ được hỗ trợ bởi hai yếu tố chi tiêu công và sản xuất cho xuất khẩu. Điều quan trọng là ba yếu tố này khi được thực hiện đồng thời sẽ mang tính hỗ trợ lẫn nhau. Khi nó kết hợp với việc cải tổ lại bộ máy nhà nước theo hướng hiệu quả hơn có thể tốc độ tăng trưởng theo cấp số nhân chứ không phải tuyến tính.

Trong ngắn hạn, nghĩa là khoảng 5 năm tới, chúng tôi tin mục tiêu tăng trưởng hai con số là khả thi. Nhưng làm sao để duy trì tốc độ này cho giai đoạn dài hạn đến 2045 vẫn còn nhiều biến số, không thể nhìn trước được nền kinh tế toàn cầu thay đổi ra sao, bắt buộc chúng ta phải là vừa làm vừa điều chỉnh.

* Tỉ trọng đóng góp của khu vực tư nhân chiếm khoảng 10% GDP. Khu vực được đánh giá là sáng tạo và năng động này có vai trò gì trong mô hình tăng trưởng mới?

- Trong thời gian dài, chúng ta từng kỳ vọng khu vực doanh nghiệp nhà nước dẫn dắt khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhưng thực tế không hiệu quả.

Trong chu kỳ tăng trưởng cao sắp tới, bắt buộc phải đề cao vai trò của khu vực doanh nghiệp tư nhân. Họ sẽ là đội quân tiên phong để khai thác các không gian tăng trưởng mới và vũ khí tối quan trọng của họ là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trung ương đã có nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân cách đây mấy năm nhưng chưa được hiệu quả lắm, dù thực tế khu vực tư nhân đã "đi" rồi. Lấy ví dụ gần đây là CEO Nvidia Jensen Huang sang Việt Nam đã hợp tác với doanh nghiệp tư nhân như FPT hay VinBrain chứ không phải doanh nghiệp nhà nước nào cả.

Doanh nghiệp tư nhân năng động và linh hoạt hơn khu vực nhà nước để tiếp nhận chuyển giao công nghệ và chinh phục các thị trường khó tính ở nước ngoài.

446dd62789f345d59657aa099f704a36-2-1735698685727145539150.jpg

Nguồn Ngân hàng Nhà nước - Dữ liệu: LÊ THANH - Đồ họa: T.ĐẠT

Khu vực tư nhân có tính cạnh tranh toàn cầu cao

* Chuyện xem kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế đã được nhắc đến nhiều năm qua, nhưng trên thực tế vẫn còn khoảng cách, thưa ông?

- Vấn đề ở đây là Nhà nước, Chính phủ tạo ra cho họ cơ chế được làm. Chính phủ đang đi theo hướng đúng như vậy. Ngày 29-12-2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu từ bỏ tư duy không quản được thì cấm, không biết vẫn quản.

Thủ tướng cũng quán triệt tư duy ai quản lý tốt nhất thì giao, việc gì người dân và doanh nghiệp làm tốt thì Nhà nước không làm. Những gì cấm thì đưa vào luật, không cấm thì tạo không gian cho sáng tạo.

Đó không chỉ là lý thuyết và chúng ta cần nhìn vào việc tổ chức lại bộ máy nhà nước hiện nay sẽ là cơ sở đảm bảo các nguyên tắc vừa nêu được áp dụng một cách nghiêm ngặt, thực chất nhất.

Ngày xưa là bộ máy thực hành không áp dụng hoặc áp dụng không đến nơi đến chốn. Còn hiện nay có thể nhìn thấy cả trên lý thuyết (tức là luật quy định) và cả mặt thực hành (nghĩa là bộ máy tổ chức thực hiện) đều phải áp dụng nguyên tắc đó.

Tôi nghĩ sắp tới nên có cơ chế bộ máy thực thi nào quan liêu, không thực hiện đúng nguyên tắc sẽ bị chế tài, chứ không chỉ chế tài người dân và doanh nghiệp.

* Có những ví dụ điển hình nào từ khu vực tư nhân trong vai trò dẫn dắt, thưa ông?

- Tại Triển lãm quốc phòng quốc tế lần thứ 2 vừa rồi, có một tin khiến nhiều người phấn chấn là đã có doanh nghiệp Việt Nam lắp ráp máy bay. Đó là những bước chân chập chững đầu tiên trong việc khai thác ngành hàng không vũ trụ, không gian mà trước nay chưa được khai thác.

Đó không phải là doanh nghiệp duy nhất có khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ để thực hiện lắp ráp máy bay tại Việt Nam. Chúng ta cần một thời gian lắp ráp rồi nỗ lực nội địa hóa dần, tự chủ chuỗi cung ứng.

Còn với các loại phương tiện bay nhỏ hơn như drone hạng nhẹ, một doanh nghiệp Việt Nam tự chủ từ nghiên cứu phát triển, thiết kế, sản xuất và không có đối thủ với hàng quốc tế trong một số phân khúc đặc thù.

Đó chỉ là ví dụ trong một ngành để chứng tỏ khu vực tư nhân Việt Nam có tính cạnh tranh toàn cầu cao. Việc doanh nghiệp Việt Nam đã đi những bước đầu tiên trong khai thác không gian hàng không vũ trụ là sự việc đã diễn ra. Vì thế việc Thủ tướng nói Việt Nam sẽ khai thác không gian vũ trụ không phải là khẩu hiệu, mà nói trên cơ sở đang diễn ra.

Chúng tôi biết có vài doanh nghiệp đang trong quá trình tiếp nhận chuyển giao công nghệ, chỉ là họ chưa công bố.

* Theo ông, cần làm gì để doanh nghiệp ở khu vực nhà nước và tư nhân đều có sự bình đẳng trong nền kinh tế?

- Một là đảm bảo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước. Nghĩa là tất cả phải tuân theo cơ chế thị trường, tiếp cận nguồn lực bình đẳng. Doanh nghiệp nhà nước được ưu ái hơn trong việc tiếp cận đất đai, tài nguyên nước, vốn.

Đối với ngành lĩnh vực liên quan dịch vụ xã hội như ngành viễn thông, hạ tầng hay điện thì cũng nên tổ chức đấu thầu.

Hai là nguồn vốn chi tiêu. Doanh nghiệp nhà nước nhiều khi nếu muốn ra quyết định chi tiêu đầu tư hay huy động vốn cũng không được tự quyết và linh hoạt như doanh nghiệp tư nhân. Như vậy, họ có thể không kịp nắm bắt cơ hội thị trường. Muốn bình đẳng giữa hai khu vực, cần gỡ khó cho cả hai để họ có thể cạnh tranh và nâng cao hiệu quả của chính họ.

Bình đẳng cả hai chiều, chứ không phải giảm bớt ưu đãi với doanh nghiệp nhà nước mà để cả hai khu vực, đặc biệt khu vực nhà nước, hoạt động tiệm cận với các nguyên tắc kinh tế thị trường.

Yếu tố thứ ba không kém phần quan trọng mà Đảng, Chính phủ đang đẩy mạnh đó là lĩnh vực nào tư nhân đang làm tốt hơn doanh nghiệp nhà nước thì doanh nghiệp nhà nước cần thoái vốn, lùi lại để doanh nghiệp tư nhân làm.

Điều đó nghĩa là đẩy mạnh vai trò của doanh nghiệp tư nhân và nâng cao tính hiệu quả của nền kinh tế. Khi thu hẹp quy mô, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp nhà nước cũng đồng nghĩa giảm bộ máy quản lý đối với khu vực này và từ đó việc tinh gọn bộ máy sẽ diễn ra một cách tự nhiên.

qdcongnhanthuysanbentre7-read-only-17356986857422142449108.jpg

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty cổ phần Gò Đàng (Bến Tre) - Ảnh: TRÚC PHƯƠNG

* Ông Hong Sun (chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại VN):

Cần tập trung phát triển công nghiệp

Việt Nam cần tập trung hơn vào phát triển công nghiệp, bởi đây là nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn. Tuy nhiên, mục tiêu không nên chỉ dừng lại ở việc phục vụ thị trường nội địa 100 triệu dân mà cần hướng tới xuất khẩu, xây dựng thương hiệu Việt trong các lĩnh vực dẫn đầu trên thế giới.

Việt Nam vẫn chưa có một thương hiệu nổi bật nào đạt tầm cỡ quốc tế. Nên chăng đã đến lúc khởi xướng một phong trào đối với ngành sản xuất, lấy đây làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế bền vững.

Để hiện thực hóa điều này, yếu tố nhân lực đóng vai trò then chốt. Không chỉ cần nguồn lao động phổ thông mà đặc biệt cần lực lượng đã qua đào tạo bài bản, có kỹ năng cao. Khi chất lượng nhân lực được nâng lên, không chỉ các doanh nghiệp tư nhân tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, mà bản thân người lao động cũng hưởng lợi.

Với giá trị cao hơn, họ có thể nhận thu nhập cao hơn, gia tăng chi tiêu và từ đó kích thích tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, đây vẫn là bài toán khó khi phần lớn lao động hiện nay cần cù và thông minh nhưng chưa được đào tạo bài bản để phát triển tư duy sáng tạo.

Nhiều người nói về mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số. Đây là một mục tiêu lý tưởng, nhưng để đạt được sẽ phải vượt qua nhiều thách thức lớn. Dẫu vậy, Việt Nam vẫn là quốc gia còn nhiều tiềm năng phát triển nên hoàn toàn có thể hướng đến mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030.

* Ông Nguyễn Chí Dũng (bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư):

Gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực tư nhân

63108aeb765acb04924b-read-only-17356986857311875604518.jpg

Dư địa nguồn lực trong nền kinh tế còn nhiều nhưng chưa được khai thác và sử dụng hiệu quả, nhất là nguồn lực tư nhân. Do vậy, cần tạo đột phá mạnh mẽ hơn nữa về cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút các nguồn lực, đặc biệt nguồn lực trong dân, cho phát triển đất nước.

Cần thúc đẩy phát triển lực lượng doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp dân tộc; tổ chức kinh tế hợp tác, nhất là các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực và quốc tế, dẫn dắt cho tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực, địa phương.

Để làm được điều này phải tháo gỡ ngay những nút thắt, vướng mắc của nhiều dự án của Nhà nước và tư nhân để giải phóng ngay nguồn lực bị tồn đọng, ách tắc, lãng phí. Tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp lớn, đầu đàn, doanh nghiệp tư nhân vươn ra thế giới, đầu tư ra nước ngoài.

Tăng cường đối thoại kinh tế, thu hút các dự án FDI lớn, có tính lan tỏa, dẫn dắt cho các ngành, lĩnh vực kinh tế mới, chuỗi giá trị trong nước và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Xây dựng chính sách đủ mạnh để kết nối kinh doanh, hợp tác cùng phát triển giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI.

* PGS.TS Trần Chủng (chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam):

Sớm gỡ vướng trong đầu tư PPP

c7353516cba776f92fb6-read-only-1735698685735690567866.jpg

Những dự án hợp tác Nhà nước với tư nhân trong những năm qua đã mang lại hiệu quả thực. Vì thế việc huy động nguồn lực tư nhân, nguồn lực xã hội cho phát triển hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng là rất quan trọng.

Dù đã có Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) nhưng những năm gần đây có rất ít dự án PPP được triển khai. Điều này cho thấy thể chế đầu tư PPP đang là điểm nghẽn.

Ngay cả Luật PPP cũng chưa khích lệ nhà đầu tư tư nhân nhiệt tình tham gia. Khi tham gia vào các dự án đầu tư PPP, nhà đầu tư tư nhân luôn bị coi là "cửa dưới" trong khi lẽ ra Nhà nước và nhà đầu tư phải bình đẳng về cả trách nhiệm, lợi ích.

Nhiều khi nhà đầu tư tư nhân thực hiện hết cam kết, trách nhiệm trong hợp đồng PPP nhưng vẫn chịu thiệt vì vướng cơ chế. Hợp đồng PPP là căn cứ pháp lý cao nhất nên các bên cần thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng, như vậy tư nhân mới yên tâm tham gia bỏ vốn làm dự án hạ tầng.

Có thể thấy đầu tư PPP đã được triển khai thời gian qua cơ bản khắc phục được một số yếu kém của đầu tư công như kéo dài thời gian thi công, đội giá.

Tuy nhiên, các dự án PPP thường phải thu hồi trong thời gian dài, ít nhất cũng 14 - 15 năm, lâu hơn là 20 - 30 năm, vì thế Nhà nước phải tạo niềm tin cho nhà đầu tư, giúp họ yên tâm bỏ tiền làm dự án.

* Ông Nguyễn Văn Toàn (phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI):

Thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp nội với doanh nghiệp FDI

d629a5315580e8deb191-read-only-1735698685738586436187.jpg

Muốn đột phá phát triển những ngành mới như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ 3D, dữ liệu lớn thì chắc chắn phải có sự tham gia của các tập đoàn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hàng đầu. Khi các doanh nghiệp lớn như NVIDIA, Amkor, Hana Micron xuất hiện tại Việt Nam, điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp nội địa có tham gia sâu được vào chuỗi cung ứng, sản xuất của các doanh nghiệp này không.

Sự liên kết giữa khu vực FDI với khu vực trong nước cần đặt trên vai các tập đoàn lớn của Việt Nam như FPT, Vingroup, Viettel, VNG, Sky Mavis... Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cần làm thật tốt mới "hứng" được vốn FDI công nghệ cao, từ đó nâng cao giá trị hưởng lợi của Việt Nam. Không có nhân lực chất lượng cao sẽ không "giữ chân" được nhà đầu tư FDI công nghệ cao.

Những năm qua, khoảng 60 - 70% vốn FDI đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo. Đây là một lợi thế, nhưng cần làm tốt hơn trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thời gian tới để đón và "giữ chân" các nhà đầu tư FDI công nghệ cao đầu tư lâu dài vào nước ta.

Tín hiệu tích cực trong đầu tư FDI thời gian qua là các tập đoàn công nghệ hàng đầu như NVIDIA đã có những thỏa thuận hợp tác với các tập đoàn trong nước như FPT, Vingroup. Điều này sẽ mở ra một xu hướng mới trong đầu tư FDI.

Cần thúc đẩy xu hướng này thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trong quá trình hợp tác với các tập đoàn FDI. Điều này cũng giúp cho doanh nghiệp trong nước từng bước tiếp nhận công nghệ cao từ khu vực FDI.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020