Ông Troy Griffiths - Phó giám đốc điều hành Savill Việt Nam tại TP.HCM trình bày tại hội thảo. Ảnh: SƠN NGUYỄN
Phát biểu tại hội thảo "Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực bất động sản" do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp cùng Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức, sáng 27-5, TS. Trần Du Lịch, Phó chủ tịch VIAC nhấn mạnh đến so sánh thị trường thời điểm hiện nay so với năm 2009 - thời điểm thị trường bất động sản nhiều bất ổn, gây ra hàng loạt tác động lên nền kinh tế.
Ông Trần Du Lịch cho biết, dù năm 2009 thị trường đóng băng nhưng thời điểm đó chỉ đóng băng những sản phẩm dang dở (bán thành phẩm), những chung cư cao cấp không bán được nhưng các loại nhà ở vừa túi tiền vẫn giao dịch tốt và không gây khan hiếm trên thị trường. Hiện nay, tình hình thị trường bất động sản rất khác.
"Hạng nào cũng khan hiếm hết. Nguyên nhân do dịch COVID-19, đáng nói là do hàng trăm dự án bất động sản đang tắc với những lý do lý do khác nhau", TS. Trần Du Lịch khẳng định. Ông cho rằng điểm nghẽn của việc khan hiếm hàng trên thị trường là do hai nhóm nguyên nhân, nhóm một liên quan đến cơ chế, pháp lý, thủ tục… và nhóm hai liên quan đến dòng tiền chảy vào bất động sản đang bị ngưng trệ như tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp…
Đi vào chi tiết số liệu, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội bất động sản TP.HCM (HOREA), cho biết, từ năm 2015 - 2021, tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, thiếu hụt nguồn cung dự án dẫn tới thiếu hụt nguồn cung nhà ở.
Trước đó, mỗi năm có khoảng 30.000 căn nhà ở xây mới được chào bán còn những năm gần đây con số đó chỉ còn 16.000 căn/năm. Đáng nói là thị trường lệch pha, thiếu hụt nhà ở có giá phải chăng.
"Năm 2020, thị trường còn có 1% số nhà ở giá thấp được chào bán thì năm 2020 không còn nhà ở nào vừa túi tiền được tung ra. TP.HCM là nơi phát triển NOXH tốt nhất trong 5 năm qua với việc phát triển 15.000 căn, đạt 75%, cả nước đạt 41%. Thị trường bất động sản phát triển bền vững khi giải quyết nhu cầu thực nhà ở trong xã hội", ông Châu nói.
Thị trường bất động sản với sự khan hiếm nhiều nhất phân khúc nhà ở vừa giá tiến khiến các chuyên gia lo ngại về những ảnh hưởng lớn lên thị trường.
Tại hội thảo, TS. Cấn Vân Lực, thành viên hội đồng tư vấn chính sách - tài chính tiền tệ quốc gia, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cho biết, thị trường bất động sản đóng góp vào 4,5% GDP.
Dù vậy, thị trường bất động sản liên quan ít nhất đến 40 ngành nghề như xây dựng (6% GDP), du lịch, ăn uống, tài chính ngân hàng (7% GDP)…. Nó cũng là thị trường thu hút vốn FDI hấp dẫn, riêng 4 tháng đầu năm 2022, vốn FDI vào bất động sản đóng góp 10% trong tổng vốn FDI đầu tư vào VN.
"Thị trường bất động sản liên quan chặt với ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Nếu một mảng có vấn đề thì sẽ ảnh hưởng lớn đến những thị trường khác", TS. Cấn Văn Lực lo ngại.
Các chuyên gia ví von thị trường bất động sản giống như chim báo bão. Khi thị trường bất động sản khủng hoảng, nó cũng kéo theo nền kinh tế khủng hoảng.
Vì thế, các chuyên gia cho rằng phải làm sao để thị trường BĐS phải như chim én, đạt mục tiêu minh bạch, lành mạnh… phát triển bền vững, ổn định. Và để được như vậy, các điểm nghẽn cần được tháo gỡ, cụ thể là về thể chế pháp luật và thực thi pháp luật.
Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, doanh nghiệp hiện nay cần các quyền: quyền tiếp cận đất đai minh bạch, công bằng, được công nhận chủ đầu tư khi đã có quyền sử dụng đất hợp pháp và phù hợp quy hoạch; quyền được tiếp cận quỹ đất thông qua đấu giá; quyền được hưởng giá trị tăng thêm từ đất do nhà đầu tư mang lại với chất xám, năng lực của nhà đầu tư.
TTO - Nhiều đại biểu Quốc hội, thành viên Chính phủ đề nghị cho nhà đầu tư chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng nhà ở thương mại nhưng cần kiểm soát chặt để ngăn trục lợi chính sách.