Bộ Ngoại giao Iran ngày 16/7 đưa các công dân Mỹ vào danh sách đen với lý do những cá nhân này ủng hộ nhóm Mujahideen-e-Khalq (MEK), có lập trường chống chính phủ Iran và đang hoạt động lưu vong. Ngoài cựu ngoại trưởng Mike Pompeo, cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton và Rudy Giuliani, luật sư riêng của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng nằm trong danh sách.
Lệnh trừng phạt quy định cơ quan chính phủ Iran có quyền tịch thu tài sản của cá nhân bị nêu tên trong phạm vi lãnh thổ nước này. Theo giới quan sát, động thái của Tehran mang tính tượng trưng, do những người trong diện trừng phạt rất ít khả năng có tài sản tại Iran.
Mike Pompeo phát biểu tại Washington về các vấn đề nhân quyền ở Iran vào tháng 12/2019, khi đang giữ chức ngoại trưởng Mỹ. Ảnh: AFP.
Chính phủ Iran xem MEK là tổ chức khủng bố, âm mưu lật đổ thể chế cộng hòa Hồi giáo tại nước này. Giới lãnh đạo Iran còn cáo buộc MEK đứng sau nhiều vụ tấn công nhắm vào dân thường trong vài thập kỷ qua, khiến hơn 17.000 người thiệt mạng, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) từng đưa MEK vào danh sách các tổ chức khủng bố, nhưng đã gạch tên khỏi "sổ đen" hơn 10 năm trước, sau khi các lãnh đạo nhóm cam kết chuyển sang bất bạo động.
Cựu ngoại trưởng Mỹ Pompeo, cựu cố vấn an ninh quốc gia Bolton và luật sư Giuliani đã nhiều lần tham dự những sự kiện do MEK tổ chức và công khai ủng hộ nhóm này. Họ giữ lập trường cứng rắn với Tehran và phản đối đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015.
Chính phủ Iran hồi tháng 1 đã áp lệnh trừng phạt với 51 công dân Mỹ, trong đó có một số cựu quan chức. Danh sách được bổ sung thêm 24 người vào tháng 4.
Chính quyền Donald Trump năm 2018 đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết vào năm 2015 với sự tham gia của 5 nước Hội đồng Bảo an (Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp) và Đức cùng Liên mình châu Âu (EU). Ông Trump cho rằng thỏa thuận của người tiền nhiệm Barack Obama nhượng bộ Iran quá nhiều, trong khi không chấm dứt được mối đe dọa hạt nhân từ đối thủ.
Washington sau đó nối lại hàng loạt lệnh trừng phạt kinh tế cứng rắn, khiến Tehran đáp trả bằng cách tái khởi động chương trình làm giàu hạt nhân vượt các giới hạn quy định trong thỏa thuận.
Đàm phán không chính thức giữa Mỹ và Iran về khôi phục thỏa thuận hạt nhân 2015 được nối lại vào tháng 11/2021, gần một năm sau khi ông Joe Biden nhậm chức tổng thống. Các vòng đối thoại mới nhất diễn ra hồi tháng 6 ở Qatar. Dù vậy, giới quan sát đánh giá đàm phán vẫn rơi vào bế tắc.
Thanh Danh (Theo Reuters)